Cách ly 21 ngày đối với bệnh nhân đậu mùa khỉ và các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng như tiêm vaccine đậu mùa cho các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị phơi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ là các biện pháp mà nhiều nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Bỉ... đang áp dụng.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết: “Những gì chúng tôi đang trải qua với bệnh đậu mùa khỉ hiện nay không phải là sự khởi đầu của một đại dịch mới. Theo những gì chúng tôi biết, đã có những đợt bùng phát dịch bệnh do virus này gây ra và nó cũng có thể được kiểm soát tốt thông qua tiếp xúc, theo dõi và thận trọng. Tuy vậy, chúng tôi cũng đang đặt 40.000 liều vaccine Imvanex. Loại vaccine này có thể được sử dụng để ngăn ngừa sự bùng phát của đậu mùa khỉ”.
Ngoài ra, một số nước cũng kêu gọi người dân và giới chức y tế nâng cao cảnh giác, thực hiện biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn. Đặc biệt, Lào, Campuchia cho biết sẽ tăng cường hệ thống giám sát đối với hành khách tới nước này mà có biểu hiện như sốt và nổi ban ngứa
Giới chuyên gia cho rằng hiện còn quá sớm để có thể khẳng định hiện tượng bất thường này sẽ bùng phát thành dịch, hay thế giới có thể kiểm soát tốt hơn số ca nhiễm. Tuy nhiên, để ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ bùng phát trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn chưa kiểm soát được hoàn toàn, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định mua cả vaccine và thuốc kháng virus để điều trị. Theo đó, EU sẽ mua vaccine Imvanex của hãng dược phẩm Bavarian Nordic của Na Uy và thuốc điều trị Tecovirimat của công ty Công nghệ Siga Technologies, Mỹ. Dự kiến, hợp đồng mua vaccine sẽ được ký trong tuần tới và việc giao hàng sẽ diễn ra trong tháng 6.
Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ nữa tại những quốc gia thường không ghi nhận các ca mắc bệnh này, nhất là khi người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Dù đánh giá đợt bùng phát lần này là bất thường khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở những nước mà virus thường không có xu hướng lây lan, nhưng WHO cho rằng, tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong bối cảnh thế giới hiện có rất ít phương pháp điều trị hay vaccine hiệu quả, giới chuyên gia đánh giá việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm là hoàn toàn khả thi khi mới chỉ có ít trường hợp mắc bệnh, thay vì đợi số ca tăng theo cấp số nhân sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế.
Tiến sỹ Rosamund Lewis, người đứng đầu Văn phòng chuyên về bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO nhấn mạnh: “Điều chúng tôi được khuyến cáo từ trước đến nay là không cần tiêm chủng đại trà, không cần các chiến dịch tiêm chủng lớn. Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền chủ yếu khi tiếp xúc cơ thể gần, tiếp xúc da với da, tiếp xúc trực diện và do đó chỉ cần theo dõi, điều tra và cách ly người mắc bệnh là phương thức kiểm soát chính trong thời điểm hiện tại. Điều này thực sự cực kỳ quan trọng”.
Mặc dù vậy, WHO cũng đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ các nước đối phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay./.