Sáng sớm nay (8/6), Triều Tiên đã phóng một loạt tên lửa hành trình đất đối hạm từ bờ biển phía Đông nước này. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 4 trong vòng 2 tháng qua và là vụ phóng thứ 10 của Triều Tiên, kể từ đầu năm đến nay.

ten_lua_trieu_tien_ejwg.jpg
Tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Sputnik.

Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm nay không phải vụ phóng nào cũng thành công song đều được xem là sự vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và gây phản ứng mạnh trong khu vực và quốc tế.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời quân đội Hàn Quốc cho biết, tên lửa mà Triều Tiên phóng đi sáng nay là một loạt tên lửa hành trình đất đối hạm và được bắn đi từ bờ biển phía Đông nước này. Những tên lửa này đã bay xa khoảng 200km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước láng giềng của Triều Tiên ngay lập tức có phản ứng gay gắt về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong một tuyên bố trước báo giới đã nhận định rằng vụ Triều Tiên phóng tên lửa về phía biển Nhật Bản sáng cùng ngày không gây tác động trực tiếp tới an ninh nước này và cũng không có dấu hiệu cho thấy tên lửa của Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc để thu thập thông tin và phân tích vụ phóng.

Tuyên bố trên được Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh tại một cuộc họp báo diễn ra sáng nay: “Liên quan đến các tên lửa hành trình đất đối hạm của Triều Tiên, chúng tôi vẫn chưa nhận thấy tên lửa rời xuống lãnh thổ cũng như khu đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Các tên lửa này cũng không tác động được hệ thống an ninh của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để có phản ứng thích hợp về vụ thử tên lửa của Triều Tiên.”

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ngay lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc để bàn về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay, Người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc Roh Jae-cheon đã bày tỏ lo ngại về các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên: “Triều Tiên dường như đang phô phương với thế giới về các loại tên lửa mà nước này có cũng như khả năng xác định mục tiêu tấn công nhằm phản đối các vụ tập trận chung Mỹ và Hàn Quốc. Triều Tiên đang cố gắng để ở thế thượng phong trong mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc.”

Trong khi đó các đảng đối lập lớn của Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ nước này cho phép triển khai ngay hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và chỉ một ngày sau khi văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo tạm ngừng triển khai hệ thống này ít nhất một tháng chờ chỉ thị của Tổng thống Moon Jae-in.

Kế hoạch triển khai ngay hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối đã được thông qua trong thời chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này gây tranh cãi ở Hàn Quốc đồng thời vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Moon Jae-in từng kêu gọi hoãn kế hoạch triển khai hệ thống vì cho rằng chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye chưa tham vấn người dân về vấn đề này. Theo đánh giá của giới phân tích, các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên trong thời gian qua có thể khiến ông Moon Jae-in phải suy nghĩ lại.

Mỹ chưa có phản ứng chính thức về vụ phóng tên lửa mới nhất này của Triều Tiên. Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ - Phó Đô đốc James Syring - ngày 7/6 đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được trong chương trình phát triển tên lửa, đồng thời cho rằng Mỹ cần phải giả định Triều Tiên có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, ông Syring cũng nhấn mạnh, Triều Tiên không chỉ đang thử tên lửa với một tần suất đáng báo động, mà còn đang phô diễn công nghệ hướng tới phát triển các tên lửa có tầm xa hơn và có khả năng cao hơn./.