Như vậy, nỗ lực đưa các phe nhóm đối địch nhau tại Syria ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này lại phải hứng chịu thêm một bước thụt lùi mới.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về Syria Lakhdar Brahimi hôm 5/11 thừa nhận, cuộc họp ba bên giữa Liên Hợp Quốc và Nga, Mỹ đã không thể ấn định được thời gian cho một hội nghị hòa bình đã bị trì hoãn từ lâu nay được gọi là Geneva 2. 

Ông Brahimi bi quan về tiến trình Hội nghị Geneva 2 về Syria (Ảnh PressTV)

 "Chúng tôi đã hy vọng rằng có thể công bố ngày tổ chức Hội nghị Geneva 2 vào hôm 6/11, nhưng thật không may là chúng tôi không thể làm điều đó. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng hội nghị sẽ diễn ra vào cuối năm nay", ông Brahimi tuyên bố.

Sau cuộc gặp 3 bên trên, cuộc họp còn được mở rộng với sự tham gia của 3 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Anh, Pháp, Trung Quốc và sự tham gia của 4 nước láng giềng của Syria gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordani và Iraq. Tuy nhiên, cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong vấn đề tổ chức Hội nghị Geneva 2.Một trong những bế tắc chính vẫn là vai trò tương lai của ông Assadvà thành phần tham dự hội nghị. Trong khi Liên minh Quốc gia Syria của phe đối lập chính vẫn khăng khăng nhấn mạnh họ sẽ không đến Geneva trừ khi có một thời gian biểu chặt chẽ cho việc ông Assad phải từ bỏ quyền lực thì chính phủ Syria cũng giữ lập trường cứng rắn khi tuyên bố không chấp nhận việc ông Assad từ chức và sẽ không đàm phán với khủng bố.

Ngoài Liên minh Quốc gia Syria là phe đối lập chính, các phe nhóm nổi dậy khác nhau, trong đó có những nhóm quyền lực nhất có liên quan đến al-Qaeda như Mặt trận Nusra hay Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant, cũng đều cho biết, họ không quan tâm đến Hội nghị Geneva cũng như chẳng thừa nhận Liên minh Quốc gia Syria là đại diện cho phe đối lập.

Ngoài ra, bản thân phe nổi dậy Syria cũng chưa thể tìm được lực lượng đại diện cho họ đến tham dự hội nghị Geneva. Theo lời đặc phái viên Brahimi, Hội nghị Geneva 2 sẽ khác hoàn toàn với Geneva 1.

Theo đó, cả chính quyền Syria và phe nổi dậy đều được cử đại diện của họ đến tham dự. Tuy vậy, phe nổi dậy vẫn chưa sẵn sàng.

Ông Brahimi cho biết: "Phe nổi dậy đang trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Họ đang bị chia rẽ, họ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Họ đang nỗ lực hết sức để có thể sẵn sàng”.

Một mâu thuẫn khác trong cuộc họp ngày hôm qua là vấn đề tham dự của Iran. Phe nổi dậy Syria không muốn Iran – một đồng minh của chính quyền của ông al-Assad có mặt trong hội nghị ở Geneva sắp tới.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố, Iran phải là một phần của hội nghị đó. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, tuyên bố của Lãnh đạo Liên minh Quốc gia Syria Ahmad al-Jarba về việc họ sẽ không đến Geneva nếu Iran được mời là “mang tính khiêu khích”.

Ông Lavrov  nhấn mạnh: “Các bên ảnh hưởng đến tình hình phải được mời đến hội nghị. Họ gồm toàn bộ các nước láng giềng của Syria, hầu hết các nước ở Vịnh Persia trong đó có Iran và các nước Arab và các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.”

Bất chấp thất bại trên, đặc phái viên Brahimi vẫn cho rằng, điều đó không có nghĩa là mọi hy vọng được đặt vào hội nghị ở Geneva sắp tới đã tan vỡ. Theo đó, ông Brahimi cho biết, vào ngày 25/11 tới ông sẽ gặp các nhà ngoại giao của Nga và Mỹ một lần nữa để tìm ra giải pháp để tiến hành Hội nghị Geneva 2 vào cuối năm nay./.