Thứ trưởng Ngoại giao của các nước còn lại tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 ngoại trừ Mỹ sẽ nhóm họp tại thủ đô Vienne của Áo ngày 6/12 nhằm cứu vãn thỏa thuận đang trên bờ vực sụp đổ sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút và động thái đe dọa mới đây của Iran.

thoa_thuan_hat_nhan_tztz.jpg
Thỏa thuận hạt nhân Iran đang trên bờ vực sụp đổ sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi. Ảnh: The New Daily

Kể từ tháng 5/2019, Iran đã thực hiện một loạt bước đi, bao gồm thúc đẩy việc làm giàu urani, được cho là vi phạm thỏa thuận năm 2015. Iran cho rằng theo thỏa thuận đã ký, nước này có quyền thực hiện những bước đi đó để trả đũa quyết định của Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran.

Tháng 11 vừa qua, các nước châu Âu tham gia thỏa thuận bao gồm Anh, Pháp, Đức đã cân nhắc khả năng kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp có trong thỏa thuận, có thể dẫn tới việc tái áp đặt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Iran. Ngay trước thềm cuộc gặp tại Vienne, đại diện của Anh, Pháp, Đức đã gửi một bức thư tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, cáo buộc Iran phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Dù phía Iran đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, nhưng giới quan sát không khỏi lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Iran. Việc có nên kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp hay không sẽ được các thứ trưởng ngoại giao Anh, Pháp, Đức cân nhắc tại cuộc họp với các phái viên tới từ Trung Quốc, Nga và Iran.

Phía Iran cảnh báo trước đó nếu EU kích hoạt cơ chế này, Iran sẽ nghiêm túc cân nhắc lại các cam kết của mình đối với Cơ quan năng lương nguyên tử quốc tế (IAEA) – tổ chức giám sát việc thực thi thỏa thuận hạt nhân 2015.

Các nhà phân tích lo ngại một khi cơ chế trên được kích hoạt, nó sẽ dẫn tới sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân 2015, và khả năng Iran có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)./.