Trong khi chưa tìm ra nguyên nhân thực sự khiến chiếc máy bay chở khách mang mã hiệu MH 17 của Hãng hàng không Malaysia rơi làm 298 người thiệt mạng thì Ukraine, một số nước phương Tây, Nga và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã có những tranh cãi xung quanh thảm họa này.

hien_truong_tai_nan_malaysia_canh_dong_rbmr.jpg 

Hiện trường máy bay MH17 của Malaysia rơi ở đông Ukraine (ảnh: Getty)

Hôm 19/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã cáo buộc chính quyền Ukraine đã không hành động khi Ủy ban điều tra quốc tế được thành lập để điều tra nguyên nhân của thảm họa này. Theo ông, thay vì dùng thảm họa này để chỉ trích lẫn nhau một cách vô lối, thì nên khởi động lại sự hợp tác để tránh các thảm họa tương tự trong tương lai.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã so sánh kết luận vội vã của Mỹ về nguyên nhân vụ rơi máy bay mang mã hiệu MH 17 của hãng hàng không Malaysia Airlines chẳng khác gì với tuyên bố của Mỹ về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt cách đây nhiều năm.

Trước đó, hôm 18/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng Mỹ có bằng chứng khẳng định chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi bởi một tên lửa được phóng đi từ khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, chính phủ Ukraine đã cáo buộc quân ly khai đã phá hủy bằng chứng tại hiện trường máy bay MH 17 rơi. Theo thông tin của chính phủ Ukraine, lực lượng ly khai đã di chuyển 38 thi thể nạn nhân đến nhà xác ở Donetsk.

Phe ly khai lên tiếng mạnh mẽ

Trước những cáo buộc của phía chính quyền Kiev, lãnh đạo của lực lượng ly khai đã phủ nhận hoàn toàn và tuyên bố rằng, họ không hề động chạm gì tới hiện trường vụ tai nạn, họ chỉ tìm kiếm những thi thể nạn nhân.

Thủ tướng tự xưng của nước Cộng hòa Donetsk Aleksander Borodai nói: "Rõ ràng chiếc máy bay này bị bắn rơi. Chúng tôi không có vũ khí để bắn hạ một chiếc máy bay bay ở độ cao 10.600…  Chúng tôi chỉ có loại vũ khí tối đa bắn hạ máy bay ở độ cao 3.000m. Chính bởi vì điều này, lực lượng không quân Ukraine thường bay ở độ cao lớn sau đó thả bom vào các khu vực dân cư chỗ chúng tôi”.

Ông Borodai còn cho rằng, chính Ukraine đã tác động khiến cho các chuyên gia từ nước ngoài chưa tới được hiện trường máy bay. Theo ông đó là vì các nhà chức trách Ukraine không muốn một cuộc điều tra toàn diện mang tính khách quan của các chuyên gia nước ngoài.

Theo thông tin mới nhất, chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai nước này vừa thống nhất thành lập một "vùng an ninh" xung quanh địa điểm chiếc máy bay MH 17 của hãng hàng không Malaysia bị rơi ở miền Đông Ukraine. Theo thông báo, 2 bên đã đạt được thỏa thuận thiết lập vùng an ninh bán kính 20km quanh hiện trường vụ rơi máy bay MH17 để Ukraine có thể hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất: nhận diện xác các nạn nhân và trao những thi thể này cho người thân của họ.

Máy bay MH 17 có thể đã bị trúng tên lửa đất đối không và rơi từ độ cao 10 ki-lô-mét xuống đất, khiến 298 người thiệt mạng. Theo các chuyên gia, việc đảm bảo hiện trường là điều tối quan trọng để xác định chính xác ai đã gây ra thảm họa này./.