Phía quân đội đã xác nhận việc lục soát các tòa báo nhưng giới sĩ quan phủ nhận chuyện họ muốn bịt miệng giới phê bình dù cho ít nhất 2 tờ báo đã đăng các bài viết chỉ trích gay gắt quân đội trong mấy ngày gần đây.

quan%20nhan%20nigeria.jpg
Quân nhân Nogeria  (ảnh: AFP)

Cả 4 tờ nhật báo là The Nation, Daily Trust, Leadership và Punch đều tuyên bố họ bị ảnh hưởng. Riêng tờ The Nation cho biết binh lính đã đột kích vào các bộ phận phát hành của tờ báo.

Một quản lý phát hành của The Nation cho biết một quân nhân có nói với họ rằng những binh sĩ này chấp hành mệnh lệnh của cấp trên vì có cáo buộc khẳng định “xe phát hành báo được dùng để buôn lậu vũ khí và đạn dược”.

Quân đội Nigeria vừa phải chịu áp lực liên tục bao gồm cả từ giới truyền thông về cách phản ứng của họ trước phong trào nổi dậy Boko Haram vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người trong 5 năm qua.

Quân đội Nigeria tỏ ra bất lực trước các cuộc tấn công của phiến quân, đặc biệt là trong vụ bắt cóc hàng trăm nữ sinh hồi tháng 4.

Phát ngôn viên của quân đội, Chris Olukolade bác bỏ các báo cáo cho rằng quân đội đang cố gắng bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Ông Chris Olukolade coi truyền thông là “một đối tác tất yếu trong chiến dịch chống khủng bố” đang diễn ra.

Một quan chức của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cảnh báo việc khiến cho người dân Nigeria khó tiếp cận thông tin sẽ gieo rắc tin đồn và gây mất lòng tin lẫn nhau.

Hôm 3/5 nhật báo Leadership tuyên bố có tới 10 tướng lục quân và 5 sĩ quan cao cáp đã bị đưa ra tòa án binh và bị kết tội hỗ trợ Boko Haram.

Báo chí Nigeria đưa tin về vụ phiến quân Hồi giáo bắt cóc hàng trăm nữ sinh (ảnh: AFP)

Quân đội gọi bài báo trên Leadership là “làm tổn hại to lớn tới hình ảnh quân đội Nigeria và các quân nhân”.

Còn tờ Daily Trust vào ngày 4/5 đăng một bài viết cho rằng các tướng lĩnh cùng vợ của mình đang sử dụng một doanh trại ở Abuja cho việc riêng.

Còn báo Punch qua website của mình nói rằng các số báo của họ đã bị tịch thu tại sân bay quốc tế Lagos và các xe tải phát hành đã bị chặn và lục soát trên khắp đất nước.

Báo này cũng so sánh việc tịch thu nói trên với “chế độ độc tài quân sự” từng tồn tại ở nước này trong các thập niên 1980 và 1990. Thời đó một số ấn phẩm hoặc bị đóng cửa hoặc phải hoạt động ngầm. Các chủ bút thì chạy ra nước ngoài sau khi cho in các bài báo phê phán chính phủ.

Hồi tháng 5/2013, quân đội Nigeria đã công kích một bài báo trên tờ New York Times của Mỹ ám chỉ tình trạng huấn luyện yếu kém và nạn tham nhũng tràn lan là nguyên nhân cản trợ việc tìm kiếm các nữ sinh bị bắt cóc./.