Tại thành phố Sao Paulo, hôm 21/6, hàng chục ngàn người vẫn xuống đường tuần hành. Mặc dù cuộc biểu tình diễn ra khá hòa bình, nhưng vẫn còn hiện tượng cướp bóc, đập phá cửa hàng.

Deise Alberto, người tuần hành cho rằng, các cuộc biểu tình là cần thiết: “Tôi nghĩ rằng, mọi người đã làm đúng những việc cần phải làm. Giai đoạn đầu tiên đã bắt đầu. Mọi người xuống phố cho thấy không phải là chúng tôi hùa theo số đông như thế giới vẫn nghĩ, mà chúng tôi thực sự muốn một sự thay đổi tích cực”

Nhiều cuộc biểu tình cũng đồng thời diễn ra ở các thành phố khác như Rio de Janeiro, Brasilia, và Fortaleza. Đã có những đụng độ nhỏ xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình.

bieu%20tinh%20o%20brazil.jpg
Biểu ngữ của những người biểu tình ở Brazil (ảnh: euronews)

Trước đó vào ngày 20/6, số người biểu tình trên toàn Brazil lên đến 1 triệu người. Riêng tại thành phố Rio de Janeiro có tới khoảng 300.000 người biểu tình gần tòa thị chính. Còn ở thành phố Sao Paulo, khoảng 110.000 người cũng tụ tập gây sức ép với chính phủ của nữ Tổng thống Dilma Rousseff. Trong khi đó tại thủ đô Brasilia,  những người biểu tình tìm cách tràn vào trụ sở Bộ Ngoại giao. Lực lượng an ninh phải bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông người biểu tình.

Trước tình hình đó, hôm 21/6, Tổng thống Brazil Rousseff đã triệu tập phiên họp nội các khẩn cấp để bàn cách đối phó với tình trạng biểu tình lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Phát biểu trên truyền hình, bà cam kết sẽ đảm bảo an ninh công cộng và bảo vệ tài sản công. Bà cũng cam kết lắng nghe tiếng nói của người dân và tiến hành một cuộc đối thoại với tất cả các bên.

“Chúng ta cần oxygen cho hệ thống chính trị của Brazil, tìm ra một cơ chế để bộ máy của chúng ta hoạt động thông suốt hơn và trên hết là mở cửa hơn đối với các ảnh hưởng từ xã hội,” bà Rousseff nói. “Vì vậy, tiếng nói của người dân cần phải được lắng nghe đầu tiên chứ không phải là sức mạnh kinh tế”.

Theo các nhà quan sát, việc chính quyền xuống nước là một thắng lợi lớn cho những người biểu tình trong đợt xuống đường lớn nhất ở Brazil kể từ những năm 1990.

Tuy nhiên, có thể thấy động thái xoa dịu này dường như không đủ làm người biểu tình rút khỏi đường phố, khi mà động cơ biểu tình của họ còn vì các vấn đề khác như tham nhũng, hệ thống giao thông công cộng tồi tệ và khoản tiền đầu tư vào các sự kiện thể thao đỉnh cao như Cúp liên đoàn các châu lục đang diễn ra, World Cup 2014. 

Các cuộc biểu tình đang ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín và làm rung chuyển nền tảng vững chắc của Đảng Công nhân cầm quyền do bà Rousseff, nhà lãnh đạo từng nhận được tỉ lệ ủng hộ vào hàng cao nhất thế giới dẫn đầu.

Dù vậy, theo các nhà phân tích, làn sóng biểu tình chưa đủ đe dọa chính phủ và các đảng lớn hiện nay ở Brazil. Lý do là đám đông chủ yếu chỉ bày tỏ sự bất mãn đối với những vấn đề xã hội chứ không nhằm vào một nhà lãnh đạo, chính khách cụ thể nào. Ngoài ra, kinh tế phát triển và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống hứa hẹn sẽ hạ nhiệt căng thẳng trong những ngày tới./.