Ngày 31/1, phong trào chống sắc lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống Mỹ tiếp tục lan rộng tại nước Mỹ và trên thế giới. Nhiều quốc gia đã có những biện pháp đáp trả động thái này của Tổng thống Donald Trump.
Các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục diễn ra ở Thủ đô Washington DC, New York, bang Ohio và đang lan sang nhiều thành phố khác.
Người biểu tình tại sân bay quốc tế San Francisco hô vang khẩu hiệu phản đối lệnh cấm mới ban hành của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Internet) |
Cho đến nay, thẩm phán tại ít nhất 5 bang đã ra có các động thái ngăn cản việc thực thi sắc lệnh trên.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump cũng diễn ra tại nước ngoài. Tại Rhủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, khoảng 200 người đã biểu tình để phản đối sắc lệnh về cấm nhập cảnh tạm thời do Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những người biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc "cấm cửa" người di cư, những người đang phải chạy trốn chiến tranh và cho rằng đó là một sự vi phạm quyền cơ bản của con người.
Những người tổ chức cuộc biểu tình bày tỏ hy vọng vấn đề trên sẽ được ưu tiên trong các chương trình nghị sự quốc tế, châu Âu phải thể hiện quan điểm và gây áp lực để sắc lệnh này bị rút lại.
Một quốc gia khác là Canada đã dùng hành động cụ thể trong thẩm quyền của mình để tỏ thái độ phản đối sắc lệnh di trú của Tổng thống Mỹ. Canada thông báo quyết định cấp giấy tạm trú cho tất cả những công dân 7 nước bị ông Donald Trump vạch mặt chỉ tên và bị kẹt lại ở Canada vì sắc lệnh vừa ban hành. Đây được xem là một cử chỉ gián tiếp chỉ trích chính sách của nước láng giềng.
Phản ứng mạnh nhất trước sắc lệnh của ông Trump dĩ nhiên là 7 nước bị Tổng thống Mỹ nêu tên nói riêng, và các quốc gia trong khối Ảrập Hồi giáo nói chung. Một người dân Indonesia cho biết: “Cá nhân là một người Hồi giáo và một người Indonesia, tôi không đồng tình với quyết định này của ông Donald Trump. Đây là phân biệt đối xử tôn giáo và chủng tộc. Ông Donald Trump với vị trí là Tổng thống Mỹ nhưng đã gây chia rẽ giữa các cộng đồng tôn giáo".
Quốc hội Iraq, một trong số 7 nạn nhân của ông Donald Trump, đã thông qua một nghị quyết trả đũa Mỹ, áp dụng biện pháp gọi là ăn miếng trả miếng nhắm vào người Mỹ nhập cảnh Iraq. Còn Iran cũng tuyên bố sẽ ban hành lệnh cấm người Mỹ nhập cảnh vào nước này.
Ngay từ hôm qua (31/1), Liên đoàn Arabia bao gồm 22 nước đã lên tiếng quan ngại về sắc lệnh của ông Donald Trump, nêu bật một số điểm phi lý trong sắc lệnh này.
Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo gồm 57 quốc gia, đã đả kích sắc lệnh của ông Donald Trump, cho đây là một động thái chỉ có tác dụng kích động ý hướng cực đoan trong thế giới Hồi giáo, tạo cơ sở cho các hoạt động khủng bố.
Các nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm trầm trọng thêm những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Đông. Nhà phân tích chính sách đối ngoại của Mỹ về vấn đề Hồi giáo và Trung Đông Wardah Khalid nói rằng, sẽ có một cuộc chiến tranh ngoại giao do lệnh cấm nhập cư.
"Tôi nghĩ rằng sẽ xảy ra cuộc chiến ngoại giao. Chúng ta đã thấy Iran và Iraq chặn công dân Mỹ đi du lịch đến các quốc gia của họ. Tôi đã nghe những tin đồn về việc tổ chức hợp tác Hồi giáo trong đó bao gồm nhiều quốc gia Hồi giáo xem xét làm như vậy. Nếu tất cả những quốc gia và tổ chức này bắt ban hành lệnh cấm công dân Mỹ, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với sự hợp tác, kinh doanh quốc tế và với những người thăm thân”, bà Wardah Khalid cho biết.
Quốc hội Iraq bỏ phiếu yêu cầu trả đũa sắc lệnh cấm nhập cư của Mỹ
Tất cả những người Syria bị cấm vô thời hạn vào Mỹ cho đến khi có lệnh mới. Quyết định này đã dẫn đến việc chặn giữ hơn 109 người ở biên giới và ngăn khoảng 200 người không được bay đến Mỹ. /.