Các cuộc biểu tình “chống phân biệt chủng tộc” đang lan rộng ra khắp đất nước Mỹ và một số quốc gia khác, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong các cuộc biểu tình này và nó có thể tạo ra những ca siêu lây nhiễm “chưa từng có”.
Bác sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Vanderbilt, Mỹ cho biết: “Một lượng lớn người tụ tập với nhau trong 1 thời gian dài. Họ la hét lớn, họ thở rất mạnh. Có nhiều người nhiễm Covid-19 không triệu chứng và virus có thể lây lan nhanh. Tôi đặc biệt lo lắng về điều này. Chúng tôi không muốn ai bị nhiễm bệnh, rồi mang virus về nhà cho gia đình và người thân. Các cuộc biểu tình có thể làm tăng tốc đợt bùng phát thứ 2 so với những gì chúng ta đã dự đoán”.
Nhà nghiên cứu lịch sử y học Howard Markel cảnh báo các cuộc biểu tình hiện nay sẽ giống với các cuộc tuần hành được tổ chức ở các thành phố của Mỹ vào thời điểm xảy ra đại dịch cúm năm 1918 và hậu quả là số ca bệnh đã gia tăng nhanh chóng. Theo ông, việc cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình cũng có thể khiến mọi người ho và tác động đến cả mắt, mũi, miệng, từ đó làm tăng khả năng lây nhiễm Covid-19.
Nhiều quan chức Mỹ cũng cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thị trưởng thành phố Atlanta đưa ra lời khuyên, rằng “nếu các bạn đi ra ngoài tham gia biểu tình, có lẽ các bạn cần đi xét nghiệm Covid-19 ngay”.
Còn Thống đốc bang Minnesota Tim Walz lo ngại rằng, có quá nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang, phá vỡ sự giãn cách xã hội. Ông lo ngại về khả năng sẽ có những ca siêu lây nhiễm và sẽ khó tránh khỏi viễn cảnh số ca nhiễm tăng vọt trong những ngày tới. Cùng chung quan điểm này, thị trưởng thành phố New York của Mỹ Bill de Blasio đã kêu gọi người dân không nên tụ tập đông, tuân thủ việc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo khẳng định, người dân có quyền biểu tình, song họ không có quyền gây nguy hiểm cho cộng động. Người dân phải có nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe của bản thân và người khác xung quanh.
Những người dân Mỹ tham gia biểu tình cũng biết về những rủi ro về dịch bệnh, song họ vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau.
“Tôi đã cắt bỏ một phần phổi. Tôi biết rằng mình có vấn đề và sẽ gặp nhiều rủi ro hơn với Covid-19. Tuy nhiên, bây giờ tôi rất tức giận và điều đó quan trong hơn. Nó quan trọng hơn tính mạng tôi”, một người tham gia biểu tình cho biết.
“Tôi cũng nghĩ có những mối quan ngại về dịch bệnh. Chúng tôi vẫn ở tâm điểm của dịch bệnh. Nhiều người biểu tình cũng đã đeo khẩu trang và cố gắng đứng cách xa nhau. Các nhà tổ chức biểu tình đã cố gắng hết sức để người tham gia an toàn. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn”, một người khác bày tỏ.
Các cuộc biểu tình đã khiến công tác phòng chống dịch của Mỹ khó khăn hơn, bởi đợt bùng phát thứ 1 tại Mỹ còn chưa được kiểm soát. Tại Los Angeles, tình trạng biểu tình bạo lực khiến nhiều điểm xét nghiệm Covid-19 bị đóng cửa hôm 30/5.
Hiện các cuộc biểu tình “chống phân biệt chủng tộc” đã lan sang nhiều thành phố lớn của Anh, Đức, Canada và Australia, Hy Lạp và Thụy Sĩ, với quy mô lên tới hàng nghìn người. Dù các cuộc biểu tình là ôn hòa, không bùng phát bạo lực như Mỹ, song nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn có thể gia tăng trong các cuộc biểu tình như vậy. Do đó, giới chức các nước đã kêu gọi các đám đông biểu tình giải tán, tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách phòng Covid-19./.
12h02