Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 48 và các Hội nghị liên quan đã bắt đầu chính thức được nhóm họp tại Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày mùng 1/8. Một loạt vấn đề nóng liên quan đến sự thống nhất, ổn định của ASEAN như tiến tới một cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm nay, vấn đề an ninh gây chia rẽ và ổn định của ASEAN… sẽ được thảo luận tại chuỗi các hội nghị lần này.
Tuy nhiên, những tranh chấp và chính sách ngoại giao của ASEAN cũng như của các đối tác của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông được nhận định vẫn có thể sẽ là điểm nóng đáng chú ý nhất trong khuôn khổ AMM 48.
Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48. (Ảnh: Thu Hiền). |
Mây đen ở Biển Đông che phủ EAS – ARF
Mặc dù chú trọng mục tiêu hướng đến hội nhập kinh tế khu vực với chủ đề “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta”, hội nghị lần này vẫn được cho là bị chi phối bởi vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, do những động thái ngày càng mở rộng của Trung Quốc tại khu vực nhạy cảm này.
Có thể thấy, trong thời điểm hiện tại, biển Đông - khu vực tranh chấp giữa nhiều quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc - được tuyên bố là “vùng an ninh nguy hiểm”. Các quốc gia ASEAN đã từng cảnh báo việc Bắc Kinh nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đảo tranh chấp ở biển Đông có nguy cơ phá hoại “hòa bình, an ninh và ổn định” trong khu vực.
Sau cuộc họp chung AMM48 diễn ra ngày 4/8, mặc dù không muốn vấn đề Biển Đông làm giảm bầu không khí tích cực của ASEAN trong việc tiến tới hình thành một Cộng đồng chung vào cuối năm nay, nhưng các Bộ trưởng ASEAN cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa trên Biển Đông, cho rằng những hành động này đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông. Những quan ngại này chắc chắn sẽ được các Bộ trưởng ASEAN đưa ra trong các cuộc thảo luận với các đối tác vào những ngày sắp tới.
Chính vì thế, không khó đoán nếu Biển Đông sẽ tiếp tục là chủ đề nóng nhất tại Hội nghị Bộ trưởng với các đối tác và đặc biệt là Diễn đàn an ninh khu vực sẽ diễn ra trong ngày 5/8 và ngày 6/8. Vấn đề gai góc nhất không chỉ nằm ở sự đối đầu giữa các nước có tuyên bố chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc mà còn có một cuộc đối đầu lớn về lợi ích giữa các nước lớn, trong đó chủ yếu là Mỹ với Trung Quốc.
Ngay trước thềm Hội nghị AMM 48 và các Hội nghị liên quan lần này tại Malaysia đã diễn ra các cuộc đấu khẩu nghiêm trọng giữa Bắc Kinh và Wasington liên quan đến các hoạt động tại khu vực Biển Đông. Gần đây nhất là hồi tuần trước, Bắc Kinh đã có những phản ứng gay gắt trước việc Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đã có mặt trên chuyến bay trinh sát dài 7h đồng hồ ở khu vực Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã cáo buộc Mỹ quân sự hoá Biển Đông bằng cách thực hiện các cuộc tuần tra và diễn tập chung, đồng thời đang tìm cách gieo rắc mối bất hoà giữa Trung Quốc với các nước có tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Rusell, về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thì lên tiếng yêu cầu Trung Quốc minh bạch hoá các hành động đang diễn ra ở Biển Đông. Tất nhiên, câu chuyện “cãi cọ” này sẽ không dừng lại. Thậm chí có khả năng trở thành cuộc đấu khẩu “tay đôi”, giữa Mỹ và Trung Quốc tại Diễn đàn an ninh khu vực sắp tới, điều vốn không phải là mới lạ.
ASEAN và những nỗ lực chung không mệt mỏi
Các Bộ trưởng chụp ảnh tại Hội nghị (Ảnh: Thu Hiền). |
Trong phiên họp toàn thể và họp hẹp ASEAN diễn ra ngày 4/8, các Bộ trưởng của 10 nước đã cùng thảo luận về vấn đề Biển Đông. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện kiềm chế; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các Bộ trưởng cũng nhất trí cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngắn sau các cuộc họp của AMM48, Ngoại trưởng Malaysia Anipha Aman cho biết các nước ASEAN đang nỗ lực để vấn đề Biển Đông “bớt nóng”.
Ông Anipha Aman nói rằng “trong khi tiếp tục quá trình tham vấn để hướng tới việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, thì ASEAN với Trung Quốc đã nhất trí sẽ có một cuộc đàm phán tiếp theo và thảo luận về khung, cấu trúc và các yếu tố trong đề xuất về COC”. Ông Aman cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN đã yêu cầu nhóm công tác phải thúc đẩy các cuộc tham vấn, trao đổi để làm sao COC sớm đựơc hình thành”.
Mặc dù vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, ASEAN vẫn chưa thực sự cứng rắn trong vấn đề Biển Đông do có những lợi ích quốc gia với Trung Quốc, song xét về tổng thể, ASEAN đang ngày càng chứng tỏ được sự đoàn kết của khối. Đặc biệt, khi ASEAN đang tiến rất gần tới thời hạn 31/12/2015, để trở thành cộng đồng chung.
Mối quan tâm chung hàng đầu của ASEAN hiện nay trong vấn đề Biển Đông là làm thế nào để các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông đã được ký giữa hai bên. Đây được cho là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa giải quyết tranh chấp ở khu vực này tiến tới xây dựng COC.
Theo một nguồn tin từ Bộ ngoại giao Philipines đưa ra hôm mùng 2/8, ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận việc thiết lập một “đường dây nóng” dùng trong tình huống khẩn cấp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Nguồn tin cũng cho biết, đường dây nóng được đề xuất nêu trên đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị của các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc và ASEAN diễn ra ở Thiên Tân (Trung Quốc) hồi tuần trước. Các nhà lãnh đạo ASEAN hy vọng đường dây nóng khẩn cấp này sẽ giúp tháo ngòi căng thẳng do các vụ va chạm trên biển và tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở Biển Đông.
Cho đến lúc này, khó có thể khẳng định trước được điều gì sẽ xảy ra tại Diễn đàn an ninh khu vực, hay tại các cuộc đàm phán với ASEAN với các đối tác, đặc biệt là có sự tham gia của Trung Quốc. Thế nhưng, dư luận hi vọng, với những tiến bộ đạt được trong các kế hoạch hành động của ASEAN, đặc biệt là để tiến tới cộng đồng chung, thì ASEAN sẽ có những ảnh hưởng lớn hơn để “những cơn sóng ngầm chảy ngược” ở Biển Đông có thể sẽ sớm được chảy đúng dòng hải lưu của nó./.