Trong hai ngày 5 và 6/9 tại St. Peterburg của Nga đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo và quan chức cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế cùng hơn 3.000 phóng viên tham gia đưa tin về sự kiện này.
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng khôi phục chậm (dự báo mới nhất của IMF tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt 3,1%; kinh tế Mỹ phục hồi chậm; kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại song không ổn định; kinh tế khu vực Eurozone tăng 0,3% trong quý 2…).
Trong khi đó, gần đây đang xuất hiện những rủi ro mới do chính sách kích thích và nới lỏng tiền tệ ở một số nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng và giảm biến động của thị trường tài chính. Chính sách này đã tác động tiêu cực tới tính ổn định của nền kinh tế toàn cầu, do đó cần giám sát, dự báo các hậu quả có thể xảy ra, kịp thời áp dụng các biện pháp bổ sung và phòng ngừa ở cấp quốc gia cũng như toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch hội nghị G20 năm 2013 |
Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch hội nghị năm 2013 đánh giá nền kinh tế thế giới đang đối mặt với những “rủi ro kinh tế có hệ thống”, vốn là điều kiện để khủng hoảng tài chính tái phát và kéo dài. Do đó, trong năm làm Chủ tịch, nước Nga xác định mục tiêu của nhóm G20 là giải quyết bất ổn kinh tế, đưa nền kinh tế thế giới trở lại với tăng trưởng bền vững và cân bằng.
Bên cạnh việc tập trung thảo luận về các nội dung truyền thống của G20, tại hội nghị lần này nước chủ nhà Nga đã đưa ra kế hoạch hành động St.Peterburg. Nội dung chính của kế hoạch này nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo việc làm để cân bằng lợi ích giữa các nước, củng cố lòng tin của các thị trường tài chính, kích thích đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế thực tế.
Cơ sở của kế hoạch này là các chiến lược ngân sách và cam kết của các nước thực hiện cải cách cơ cấu toàn diện chứ không chỉ là giảm mức nợ công và thâm hụt ngân sách. Theo quan điểm của Nga, cần phải điều tiết thị trường lao động và thuế, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, các quy định của thị trường hàng hoá… Ngoài ra, cần tăng cường vai trò (hạn ngạch và quyền biểu quyết) của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong IMF; cần phân phối lại hạn ngạch để xác định hiệu quả và tính hợp pháp của IMF và G20.Tuy nhiên, nước Nga cũng xác định đây là một quá trình cải cách cơ cấu phức tạp và cần tiến hành thường xuyên, lâu dài, có sự chung tay của các nền kinh tế lớn và cả cộng đồng quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khép lại với những kết quả được đánh giá là khá thành công của nước chủ nhà Nga trong năm làm Chủ tịch. - Ảnh: Reuters |
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo nhóm G20 cũng có hàng loạt cuộc gặp song phương và đa phương, với các nội dung chính là thúc đẩy quan hệ hợp tác và thương mại, đầu tư, trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế…
Tại cuộc gặp đầu tiên của Nhóm BRICS trước thềm khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, lãnh đạo các nước BRICS đã có chung nhận định: nền kinh tế thế giới tiếp tục giữ nhịp độ hồi phục chậm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tại nhiều nước và cho rằng các nước G20 có thể làm được nhiều hơn nữa để kích thích nhu cầu của thế giới và lòng tin của các thị trường.
Lãnh đạo các nước BRICS đề nghị sớm thực hiện việc cải cách hạn ngạch và cơ cấu quản lí của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và hoàn thành việc xem xét hạn ngạch đến tháng 1/2014 nhằm bảo đảm lòng tin, tính minh bạch và hiệu quả của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tại cuộc gặp này, Nhóm BRICS cũng đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thành lập Ngân hàng phát triển mới BRICS (đã thống nhất về cơ cấu, thành phần góp vốn, thành viên và quản lí ngân hàng) và Quỹ dự trữ ngoại tệ (với tổng số tiền góp là 100 tỷ USD, trong đó được phân chia như sau: Trung Quốc – 41 tỷ USD; Brazil, Ấn Độ, Nga – mỗi nước 18 tỷ USD; Nam Phi – 5 tỷ USD).
Mặc dù không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị, song vấn đề Syria đặc biệt thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế. Tổng thống Nga Putin đã chủ động đề nghị thảo luận về tình hình Syria ngay trong bữa tối làm việc sau ngày đầu hội nghị G20 khai mạc và chủ đề này được tiếp tục thảo luận trong ngày thứ hai của hội nghị ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao.
Sự chia rẽ trong vấn đề Syria đã làm lu mờ phần nào các cuộc thảo luận về vấn đề vực dậy nền kinh tế toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía Nga và một số nước trên thế giới về quyết định tấn công quân sự Syria, điều mà nhiều nước lo sợ sẽ làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khép lại với những kết quả được đánh giá là khá thành công của nước chủ nhà Nga trong năm làm Chủ tịch. Hội nghị này không chỉ là một sự kiện kinh tế lớn, mà còn là diễn đàn quan trọng để củng cố quan hệ song phương và đa phương giữa các đối tác, đồng thời cũng là nơi để trao đổi cũng như thể hiện quan điểm của các nước đối với toàn thế giới về các vấn đề nóng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến tình hình Syria, cả Nga và Mỹ đều chưa đạt được mục tiêu của mình khi tại Hội nghị thượng đỉnh G20, song quan điểm của Nga về việc cần tuân thủ luật pháp quốc tế và tìm kiếm giải pháp chính trị - ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria đã được lãnh đạo nhiều nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ủng hộ.
Có lẽ Hội nghị thượng đỉnh G20 chưa phải là cơ hội chính trị cuối cùng cho vấn đề Syria, cần tiếp tục có thêm sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế cho vấn đề này./.