Ngày 5/10, gần 143 triệu cử tri Brazil đi bỏ phiếu để bầu chọn Tổng thống mới. Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Brazil trở nên nóng và khó định đoán hơn khi những khảo sát đưa ra kết quả khá  bất ngờ trước thềm cuộc bỏ phiếu. Các cử tri Brazil đang đặt niềm tin và hy vọng vào những lá phiếu, có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế đang trên đà suy giảm của quốc gia Mỹ Latinh này. 

brazil_nxqb.jpgĐương kim Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Ảnh: AFP)

Trong cuộc bầu cử lần này, các cử tri sẽ bỏ phiếu thông qua máy điện tử và kết quả dự kiến ​​sẽ được công bố chỉ vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 17h giờ địa phương (tức 5h sáng 6/10 giờ Việt Nam).

Bầu cử là bắt buộc đối với các cử tri trong độ tuổi 18-70, và không bắt buộc đối với những người ở độ tuổi 16 hoặc hơn 70.  Lực lượng an ninh cùng các phương tiện đặc biệt đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử.

Chủ tịch Tòa án bầu cử Dias Toffoli kêu gọi người dân cần phải thực hiện cơ hội dân chủ này: “Chủ nhật này (ngày 5/10) sức mạnh thuộc về các cử tri, về người dân Brazil. Hãy đi bỏ phiếu một cách tự do và thận trọng. Không nên đổi phiếu,  bán phiếu bầu- vì đây là một tội ác”.

Trong cuộc bầu cử ngày 5/10, ngoài chọn lựa Tổng thống, cử tri Brazil cũng bầu lại toàn bộ 513 ghế tại Hạ viện liên bang và 1.059 ghế tại nghị viện các bang, thay 1/3 trong tổng số 81 ghế tại Thượng viện liên bang, đồng thời bầu Thống đốc của tất cả 27 bang. 

Hiện cuộc đua vào vị trí Tổng thống nước này đang nóng lên trước thềm bầu cử. Ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng thống đang được dự đoán là Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff.  Đảng Lao động của bà Rousseff đã có kinh nghiệm 12 năm cầm quyền và nhận được nhiều sự ủng hộ của tầng lớp thấp trong xã hội. Nhờ vào các chương trình xã hội từ năm 2003, đảng cầm quyền đã giúp 40 triệu người Brazil lên tầng lớp trung lưu và hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói cùng cực.

Mặc dù nền kinh tế dưới thời bà Rousseff cầm quyền có sụt giảm, nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp lịch sử. Bà Rousseff  cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia các cải cách mạnh mẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của quốc gia Mỹ Latinh này. Tuy nhiên, không thể không kể đến sự tăng trường kinh tế đáng thất vọng của Brazil trong những năm gần đây, với sự bất mãn của tầng lớp trung lưu làm dấy lên các cuộc biểu tình năm ngoái, làm tê liệt đất nước trong vòng 2 tuầnvới yêu cầu cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an ninh…

Tất cả những điều trên khiến tỉ lệ ủng hộ bà Rousseff  suy giảm trong thời gian gần đây. Vì vậy, các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy, bà Rousseff có thể sẽ không đủ đa số phiếu để chiến thắng trong vòng 1 và có thể sẽ tiếp tục cùng chạy đua với một ứng cử viên khác trong cuộc bầu cử vòng 2, dự kiến diễn ra vào ngày 26/10  này.

Ứng cử viên thứ 2 tham gia cuộc đua với bà Rousseff  hiện vẫn là một ẩn số, khi các cuộc khảo sát trước thềm cuộc bỏ phiếu cho thấy, thượng nghị sĩ Aécio Neves , thuộc Đảng dân chủ xã hội (PSDB) bất ngờ bứt phá so với ứng cử viên đại diện cho Đảng lao động (PT); bà Marina Silva- được cho là ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử vòng 2. 3 cuộc thăm dò công luận công bố ngày 4/10 cho thấy, ông Neves có 27% cử tri ủng hộ, trong khi bà Silva nhận được 24%. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn khá thấp so với mức 46% của bà Rousseff, nên bà Rousseff vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc chạy đua lần này mặc dù sẽ phải mất nhiều thời gian hơn.

Một chuyên gia phân tích chính trị của Brazil Ricardo Ismael nhận định: “Tôi nghĩ ứng cử viên Silva cũng có nhiều kế hoạch hiệu quả trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Tổng thống Rousseff có những  lợi thế mà những ứng cử viên khác không có được. Thực tế trong chiến dịch tranh cử, không ai đưa ra một chiến dịch tranh cử hiệu quả thực sự, cả Tổng thống Rousseff và bà Silva”.

Mặc dù đương kim Tổng thống Rousseff  chiếm ưu thế với khả năng tái đắc cử khá cao, tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu vẫn khó định đoán khi nhiều yếu tố trước thềm cuộc bầu cử có thể sẽ tác động đến lá phiếu của các cử tri. Mới đây nhất là vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn Petrobras đang gây sóng gió trên chính trường Brazil và cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm của Brazil từ ổn định xuống tiêu cực.

Hiện chưa rõ ai sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ này, nhưng cuộc tổng tuyển cử lần này đặt ra những thách thức cụ thể cho tân Tổng thống Brazil về một sự cải cách cần thiết để chấm dứt những bê bối tham nhũng, dịch vụ công nghèo nàn cùng 4 năm tăng trưởng đáng thất vọng của nền kinh tế Brazil./.