Đây được coi là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua. Diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang bị chia rẽ sâu sắc trước làn sóng tấn công đẫm máu từ các phần tử thánh chiến cũng như những bất đồng gay gắt mới với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc bầu cử sẽ không chấm dứt được bế tắc chính trị hiện nayvà tiếp tục làm tê liệt nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

bo_phieu_akbh.jpg
Một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội, Ảnh AP

Khoảng 54 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đăng kí bỏ phiếu tại 175.000 điểm bầu cử, từ 7h sáng tới 16h chiều tại phía Đông và từ 8h sáng tới 5h chiều tại phía Tây. Đây là cuộc bầu cử thứ 2 trong vòng 5 tháng qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) mất thế đa số quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên trong vòng 13 năm. 

4 đảng của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã thất bại trong việc thành lập một liên minh cầm quyền, một lệnh ngừng bắn với các phần tử vũ trang người Kurd bị phá vỡ, cuộc khủng hoảng Syria tồi tệ hơn và quốc gia này cũng bị ảnh hưởng bởi 2 vụ đánh bom có liên quan đến IS làm hơn 130 người thiệt mạng.

Nhiều người dân đi bỏ phiếu bày tỏ hi vọng lá phiếu của họ sẽ mang lại hòa bình cho nước này: “Căng thẳng gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày này. Một lần nữa chúng tôi lại đi bỏ phiếu để cải thiện dân chủ. Tôi hi vọng kết quả sẽ tốt lành và hòa bình sẽ đến với người dân”.

Phát biểu trước thềm cuộc bầu cử, Thủ tướng Ahmet Davutoglu bày tỏ tin tưởng rằng, Đảng Công lý và Phát triển sẽ giành ít nhất 44- 45% số phiếu bầu, đủ điều kiện để tránh việc phải thành lập một liên minh với các đảng khác.

Ông Davutoglu cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra được những cải cách lớn trong đời sống kinh tế, chính trị xã hội  nhờ vào sự ổn định do chính phủ một đảng chiếm đa số trong quốc hội tạo ra. Để viết tiếp câu chuyện thành công này, mục tiêu của chúng tôi đó là có Chính phủ của một đảng chiếm đa số trong Quốc hội.

Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ hành động theo kết quả bầu cử và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị”.

Tuy nhiên, tất cả các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy cuộc bầu cử hôm nay sẽ tạo ra bế tắc tương tự với cuộc bầu cử vào tháng 6 vừa qua, trong đó không có đảng nào đạt đa số.

Các cuộc khảo sát cho thấy Đảng Công lý và Phát triển  sẽ giành được khoảng 40-42% phiếu bầu. Điều này vẫn đảm bảo đủ để trở thành đảng lớn nhất trong quốc, nhưng Đảng này sẽ không đạt được 44- 45% số phiếu bầu cần thiết để đảm bảo đa số trong Quốc hội.

Đảng Nhân dân Cộng hòa CHP dự kiến sẽ về thứ 2 theo sau đó là Đảng Hành động quốc gia MHP. Đảng ủng hộ người Kurd Dân chủ Nhân dân (PHD) cũng sẽ vượt qua 10% cần thiết để có mặt trong quốc hội với khoảng 12-13% số phiếu bầu.

Câu hỏi quan trọng hiện nay đó là liệu có sự phối hợp giữa các đảng chính trị để thành lập  liên minh cầm quyền hay không. Nếu các đảng lại thất bại trong việc thành lập một chính phủ mới sẽ khiến nước này buộc phải tiến hành một cuộc bầu cử khác, tạo ra một vòng luẩn quẩn chính trị, nhấn chìm nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Thổ Nhĩ Kỳ đạt được tốc độ phát triển kinh tế 9,2% trong năm 2010. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế dự đoán, tốc độ phát triển kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay tụt xuống còn 3% và năm 2016 là 2,9%.

Cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nhà đầu tư nước ngoài hy vọng cuộc bỏ phiếu sẽ mang lại sự ổn định cũng như tăng trưởng cho nền kinh tế, giúp nước này đóng vai trò trung tâm hơn trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư tới châu Âu cũng như cuộc chiến chống lại nhóm IS./.