Các vụ tấn công liên tiếp mấy ngày qua tại thủ đô Kabul gây nhiều thương vong. Mục tiêu của các vụ tấn công cũng khá đa dạng từ Khách sạn quốc tế, văn phòng cứu trợ nước ngoài đến trung tâm văn hóa rồi các chốt an ninh của lực lượng quân sự…

afghan_ffea.jpg
Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Nhiều nhóm lên tiếng nhận thực hiện các vụ tấn công cho thấy mối đe dọa an ninh của Afghanistan không chỉ là Taliban mà còn là IS, mạng lưới Haqqani, al-Qaeda...

Hàng loạt vụ tấn công xảy ra đang gia tăng áp lực lên chính quyền Afghanistan và đồng minh, trong bối cảnh lực lượng an ninh nước này tin tưởng rằng việc đẩy mạnh các chiến dịch quân sự nhằm đánh bật các nhóm vũ trang ra khỏi các khu vực trung tâm đang phát huy hiệu quả. 

Điều này cũng đặt ra câu hỏi về chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc giành chiến thắng trong cuộc chiến dài hơi và tốn kém nhất của Mỹ.

Cách đây đúng 1 năm, Tổng thống Trump khẳng định với các binh lính Mỹ tại Afghanistan rằng sẽ luôn sát cánh cùng họ trong cuộc chiến này. Trong chính sách về Afghanistan công bố tháng 8, Tổng thống Trump tiếp tục củng cố sức mạnh của quân đội Afghanistan, tăng số lượng binh lính Mỹ tại Afghanistan từ 8.400 lên 16.000 người.

Tuy nhiên trong năm qua, an ninh của Afghanistan vẫn chưa được cải thiện, thậm chí có phần bất ổn hơn với nhóm vũ trang Taliban đang ngày càng mạnh, mở rộng vùng kiểm soát lãnh thổ.

Làn sóng bạo lực tiếp tục gia tăng với ít nhất 7.000 nhân viên an ninh thiệt mạng trong năm qua. Có 2.640 dân thường thiệt mạng trong 9 tháng đầu năm 2017. Nhiều chuyên gia nhận định, Afghanistan đang rất khó khăn để tồn tại. Sự hiện diện và ảnh hưởng của Taliban  đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001.

Với làn sóng bạo lực mới nhất tại Afghanistan, các tướng lĩnh Mỹ khẳng định sẽ không tác động đến cam kết của Mỹ tại Afghanistan và chiến thắng là “hoàn toàn có thể”.

Tổng thống Trump hôm qua cũng lên án hành động của Taliban tại Afghanistan và bày tỏ tin tưởng cuộc chiến sẽ giành thắng lợi: “Nhiều phụ nữ trẻ em, họ  vô tội nhưng họ vẫn là nạn nhân của các vụ tấn công. Điều này là không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ không đối thoại với Taliban và không muốn thực hiện điều này. Chúng tôi sẽ phải hoàn thành những gì cần thực hiện”.

Mặc dù vậy giới quan sát cho rằng, sẽ không có giải pháp cho những bất ổn tại Afghanistan mà không có sự hợp tác của Pakistan. Tình trạng bạo lực gia tăng tại Kabul có thể liên quan đến những bất đồng gần đây giữa Mỹ và Pakistan, quốc gia có vai trò quan trọng trong nỗ lực bình ổn Afghanistan.

Bất ổn an ninh tại Afghanistan không thể giảm nếu các nhóm vũ trang như Taliban, al-Qaeda và mạng lưới Haqqani có thể sử dụng lãnh thổ Pakistan như một bệ phóng.

Pakistan ngày 29/1 kêu gọi thực hiện một sáng kiến hòa bình "tin cậy và toàn diện" với Afghanistan. Cụ thể, Pakistan đang đặt hy vọng vào việc Afghanistan công bố một sáng kiến hòa bình toàn diện trong một hội nghị khu vực dự kiến diễn ra ở thủ đô của Afghanistan trong tháng tới.

Hội nghị này sẽ có sự tham dự của các nước láng giềng của Afghanistan cũng như các nước khác nhằm đạt được đồng thuận về cách thức chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này./.