Các cuộc thảo luận về Hiệp ước Buôn bán vũ khí tại Liên Hợp Quốc một lần nữa lại rơi vào bế tắc. Nguyên nhân chính là đại diện của các quốc gia thành viên chưa tìm được tiếng nói chung nhằm sớm kết thúc quá trình đàm phán để cho ra đời một hiệp ước toàn diện.
Một số người dân Mỹ ủng hộ Hiệp ước Buôn bán vũ khí (Ảnh BBC) |
Với việc vấp phải sự phản đối của một số quốc gia, Hiệp ước Buôn bán vũ khí không đạt được sự đồng thuận cần thiết và buộc phải trình lên Đại hội đồng.
Trong tuyên bố ngày 28/3, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, ông "vô cùng thất vọng" trước việc Hội nghị Liên Hợp Quốc không thông qua được một Hiệp ước quy định hoạt động buôn bán vũ khí. Tổng Thư ký Ban Ki-moon hy vọng các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương thức tiến tới ký kết Hiệp ước này.
Trọng tâm của Hiệp ước mới nhằm quy định các tiêu chí cho việc vận chuyển vũ khí thông thường qua biên giới, đề cập nhiều nội dung quan trọng như: tôn trọng nhân quyền, ngăn chặn tội ác chiến tranh... Những điều này đáp ứng được sự kỳ vọng của các cá nhân, tổ chức ủng hộ, vốn luôn cho rằng mục đích chính của Hiệp ước là ngăn chặn tình trạng buôn lậu vũ khí đang làm gia tăng xung đột toàn cầu.
Ông Djimon Hounsou, một nhà hoạt động vừa tham dự vòng đàm phán cuối cùng về Hiệp ước Buôn bán vũ khí của Liên Hợp Quốc cho biết: “Có một số việc mà cộng đồng quốc tế cần phải làm ngay từ bây giờ. Đó là, cần phải đưa ra một hiệp ước về Buôn bán vũ khí mà có thể giúp hạn chế tình trạng lưu hành tràn lan các loại vũ khí và đạn dược.”
Mặc dù bản dự thảo cuối cùng về Hiệp ước Buôn bán vũ khí bao gồm nhiều điểm mới, trong đó có cả vấn đề kiểm soát đạn dược, tuy nhiên, dự thảo này vẫn vấp phải không ít chỉ trích. Nhiều ý kiến cho rằng, văn bản này có quá nhiều lỗ hổng và chưa dứt khoát trong vấn đề cung cấp đạn dược.
Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, ông Mohamad Khazae cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng quốc gia Hồi giáo Iran sẽ nỗ lực để khắc phục những sai sót, loại bỏ những lỗ hổng trong bản dự thảo này thông qua đàm phán thực sự, chứ không chỉ đơn thuần là chấp nhận hay loại bỏ nó. Điều đáng tiếc nhất là những nỗ lực thực sự của nhiều nước nhằm hướng tới một hiệp ước mạnh mẽ, cân bằng và công bằng đã bị phớt lờ.”
Trong khi đó, Hiệp hội Súng trường Mỹ phản đối mạnh mẽ bản dự thảo và tuyên bố sẽ ngăn cản đến cùng.
Theo ông Brian Wood, thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế thì cho rằng: “đối tượng điều chỉnh của bản dự thảo còn khá hẹp khi chỉ có xe tăng, xe bọc thép, hệ thống pháo cỡ nòng lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tàu chiến, tên lửa và bệ phóng tên lửa, vũ khí nhỏ và nhẹ. Trong khi đó, máy bay không người lái, lựu đạn không được nhắc đến.”
Tuy nhiên, kinh doanh vũ khí là một trong những lĩnh vực mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đối với một số nước, không dễ gì để bỏ qua những mối lợi nhuận này. Vì vậy, một Hiệp ước đưa ra các tiêu chí giới hạn các hợp đồng mua bán vũ khí là đi ngược lợi ích của những nước này. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tiến trình đàm phán hướng tới Hiệp ước Buôn bán vũ khí gặp nhiều trở ngại./.