Các nhà lãnh đạo thế giới đã thể hiện sự khác biệt nghiêm trọng về hướng tiếp cận phù hợp nhất với Trung Quốc trong cuộc họp Thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh ngày 12/6, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden cho hay.
Những bất đồng trong hội nghị này, thậm chí có thời điểm nhạy cảm tới nỗi tất cả đường dây kết nối internet trong phòng họp đều bị ngắt, đã khiến các nước châu Âu mâu thuẫn với Mỹ, Anh và Canada – những quốc gia kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Các quan chức trong hội nghị cũng gọi Trung Quốc là một trong những vấn đề thách thức nhất của cuộc gặp Thượng đỉnh G7.
Tổng thống Biden đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ với các nhà lãnh đạo khác về các hành vi của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần hành động.
Quan chức trên cũng cho biết, Tổng thống Biden, cùng với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều thúc đẩy những hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Mario Draghi và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh đến những khía cạnh hợp tác với Trung Quốc. Thậm chí, trong chính hai nhóm này đã có những quan điểm rất khác nhau về lập trường với Trung Quốc.
Điểm nhận được sự tán thành của hầu hết các nước tham gia Thượng đỉnh là việc xây dựng một sáng kiến về cơ sở hạ tầng nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mặc dù còn không ít bất đồng nhưng Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay được đánh dấu bằng một bầu không khí mới giữa các nhà lãnh đạo sau 4 năm căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump
"Các nhà lãnh đạo dường như đều yêu quý và tôn trọng lẫn nhau, cũng như hợp tác trên những vấn đề chung", quan chức cấp cao trên cho hay, đồng thời khẳng định nỗ lực thực sự của các bên nhằm đạt được sự nhất trí trong cả những vấn đề gai góc nhất, chẳng hạn như quan hệ với Trung Quốc./.