Tuyên bố của Bộ Y tế Australia đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nghi ngờ vaccine 1 liều duy nhất của hãng dược Johnson&Johnson có liên quan đến một số trường hợp đông máu hiếm gặp. Lý do được phía Australia đưa ra là loại vaccine này sử dụng công nghệ tương tự như vaccine của AstraZeneca.
Tính đến ngày hôm qua (13/4), Australia đã cung cấp hơn 1,2 triệu liều vaccine cho người dân, đồng thời cơ quan y tế nước này cũng đã ghi nhận thêm ca mắc hội chứng đông máu thứ 2 sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.
Ngày 13/4, cơ quan y tế Mỹ khuyến nghị tạm dừng tiêm vaccine Covid-19 của Johnson&Johnson để điều tra các trường hợp đông máu sau khi tiêm vaccine này. Tại Mỹ, đến nay đã có gần 7 triệu người được tiêm vaccine này và cơ quan y tế ghi nhận 6 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 48 bị biến chứng đông máu trong não. Trong số đó, 1 nạn nhân đã tử vong và 1 người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Những người đã tiêm vaccine Johnson&Johnson trong 3 tuần qua được yêu cầu báo cáo với bác sĩ nếu bị đau đầu dữ dội, đau bụng, đau chân hoặc khó thở.
Cũng trong ngày 13/4, mặc dù đã tiêm hơn 289.000 liều vaccine Johnson&Johnson cho các nhân viên y tế và không phát hiện ca mắc hội chứng đông máu nào, nhưng Nam Phi đã đình chỉ tiêm vaccine này như một biện pháp phòng ngừa.
Vaccine Johnson&Johnson được sử dụng rộng rãi tại Mỹ và được chấp thuận sử dụng ở châu Âu. Vaccine này và vaccine của AstraZeneca đều sử dụng adenovirus để mang gen đột biến của virus vào cơ thể và tạo ra phản ứng miễn dịch. Vaccine của Johnson&Johnson sử dụng adenovirus ở người trong khi vaccine của AstraZeneca sử dụng phiên bản của tinh tinh.
Johnson&Johnson đang có thỏa thuận cung cấp 200 triệu liều vaccine cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2021, nhưng đến nay một số nước EU cho biết sẽ vẫn tiếp tục sử dụng vaccine này bởi lợi ích mà chúng mang lại vẫn lớn hơn những rủi ro mà nó có thể gây ra. Ngoài ra, hãng dược của Mỹ hiện cũng có thỏa thuận cung cấp 500 triệu liều vaccine cho sáng kiến COVAX của Liên Hợp Quốc./.