Trong tuyên bố đưa ra ngày hôm nay, Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet cho biết, chính quyền bang này sẽ đầu tư 96 triệu AUD để cùng với các trường đại học nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất và thử nghiệm vaccine theo công nghệ mRNA và các liệu pháp chữa bệnh tại Australia.
Ông Dominic Perrottet cho biết, đại dịch Covid-19 cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng sản xuất vaccine trong nước đồng thời việc chủ động nguồn cung vaccine cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.
Cơ sở nghiên cứu tại bang New South Wales sẽ bao gồm các phòng thí nghiệm và không gian thí nghiệm tiền lâm sàng dành cho việc phát triển vaccine công nghệ mRNA giai đoạn đầu. Cơ sở này có thể sẽ được mở rộng quy mô khi quá trình phát triển và sản xuất thuốc mRNA có chủ quyền của Australia hoạt động nhịp nhàng. Chính quyền bang New South Wales hy vọng cơ sở nghiên cứu thí điểm này sẽ thu hút đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển vaccine công nghệ mRNA tại bang này.
Quyết định đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất vaccine mRNA thí điểm được đưa ra ngay sau khi bang New South Wales thành lập Liên minh Khoa học Sinh học ARN NSW, nơi tập hợp các trường đại học và viện nghiên cứu để thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất thuốc cũng như vaccine công nghệ RNA.
Không chỉ riêng bang New South Wales, việc xây dựng nhà máy sản xuất vaccine công nghệ mRNA đang rất được quan tâm tại Australia. Vào tháng 4/2021, bang Victoria cũng tuyên bố đầu tư 50 triệu AUD để xây dựng nhà máy sản xuất vaccine công nghệ mRNA. Trong khi đó, chính quyền liên bang Australia cũng đã ra thông báo mời thầu đối với việc xây dựng nhà máy sản xuất vaccine này.
Bên cạnh đó, tin từ công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cho biết, sau khi công ty bày tỏ ý định xây dựng nhà máy ở nước ngoài, một số doanh nghiệp Australia cũng đã bày tỏ nguyện vọng có được cơ hội này. Trong một diễn biến liên quan, các nhà khoa học tại Đại học Monash của Australia cũng đang thử sản xuất vaccine công nghệ mRNA để phục vụ việc thử nghiệm với hy vọng Australia sẽ sớm có thể chủ động nguồn cung vaccine mRNA./.