Mặc dù đã rất nỗ lực xây dựng chương trình hành động đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu nhưng tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương lãnh đạo các quốc gia trong khu vực đã không tìm được tiếng nói chung cho vấn đề này.
Một nhà máy sử dụng than đá (ảnh minh họa, nguồn: ABC) |
Hôm qua (15/8), trong khuôn khổ Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương năm 2019 được tổ chức tại Tuvalu, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và 16 nhà lãnh đạo các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đã có cuộc họp kín để trao đổi về chương trình hành động của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những bất đồng còn tồn tại giữa các nước tham dự đã khiến cuộc họp kết thúc mà không thông qua được Tuyên bố chung Tuvalu.
Theo bản dự thảo Tuyên bố Tuvalu do nhóm các quốc gia đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương soạn thảo, các nước này kêu gọi các nước trong khu vực sửa đổi các mục tiêu giảm phát thải và chấm dứt sử dụng than đá vào năm 2050. Tuy nhiên, bản dự thảo đã không nhận được sự ủng hộ của Australia.
Phát biểu sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo Nam Thái Bình Dương, Thủ tướng Morrison cam kết Australia sẽ tiếp tục là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho các chương trình chống biến đổi khí hậu trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định than đá hiện vẫn là nguồn tài nguyên rất quan trọng đối với nền kinh tế Australia. Chính phủ Australia cũng khẳng định, số lượng các mỏ than của nước này là nhỏ so với các nước khác trên thế giới. Australia hiện chỉ có 20 so với gần 2.500 mỏ than đang hoạt động trên thế giới, trong khi con số này ở Trung Quốc là gần 130 và ở Ấn Độ là hơn 30.
Trước khi đến Tuvalu tham dự hội nghị này, Thủ tướng Morrison tuyên bố Australia sẽ bổ sung 500 triệu đô la Australia (AUD) hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương đầu tư vào năng lượng tái tạo và đối phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025. Với khoản chi mới này, tổng số tiền Australia hỗ trợ trực tiếp cho công tác chống biến đổi khí hậu tại Nam Thái Bình Dương trong giai đoạn 2016 - 2025 sẽ đạt 800 triệu AUD.
Ông Morrison cũng nhấn mạnh, thông qua chương trình viện trợ Thái Bình Dương hàng năm Australia sẽ chi 1,4 tỷ AUD hỗ trợ các nước trong khu vực đối phó với các vấn đề về sức khỏe, như điều trị bệnh lao kháng thuốc và cung cấp dịch vụ y tế ở các vùng sâu vùng xa./.