Thỏa thuận này mở ra hy vọng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu trong 3 ngày qua làm hơn 200 người thương vong.
Theo thông báo của Bộ quốc phòng Armenia, thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ 12h (giờ địa phương). Chi tiết bản thỏa thuận đang được thảo luận. Phía Azerbaijan cũng xác nhận hoạt động quân sự đã tạm dừng từ 12h địa phương.
Tổng thống Azerbaijan tuyên bố: “Tôi một lần nữa khẳng định, phía Azerbaijan đã ngừng tất cả các hoạt động quân sự nhưng với một điều kiện phía Armenia cũng làm điều tương tự. Tức là họ cũng phải ngừng bắn, ở nguyên vị trí và không được di chuyển”.
Cơ quan quốc phòng của Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng cũng cho biết, vùng lãnh thổ này và Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt 4 ngày giao tranh dữ dội tại đây.
Phó chỉ huy quân đội Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng, Đại tá Vitaly Arustamyan nói:"Quân đội quốc phòng Nagorno-Karabakh thực hiện lệnh ngừng bắn từ 12 giờ ngày 5/4. Các vị trí chiến lược của chúng tôi thỉnh thoảng vẫn bị đạn pháo từ phía Azerbaijan bắn sang nhưng không nhiều và dữ dội như những ngày trước đó”.
Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra khi Nga và một số quốc gia kêu gọi các bên ngừng bắn để tránh gây mất ổn định khu vực. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/4 kêu gọi 2 nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan ngừng các cuộc đụng độ ở vùng Nagorno-Karabakh sau khi tất cả đồng ý thực thi lệnh ngừng bắn.
Điện Kremlin cho biết, ông Putin đã liên lạc với 2 tổng thống của Armenia và Azerbaijan qua điện thoại; kêu gọi cả 2 bên khẩn trương đảm bảo việc chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột vũ trang, đồng thời tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, cần phải tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế nhằm chấm dứt mối thù kéo dài hơn 2 thập kỷ qua giữa Armenia và Azerbaijan. Trong khi đó, với nỗ lực nhằm hóa giải xung đột khu vực, Nhóm Minsk dự kiến có cuộc họp khẩn cấp vào hôm nay nhằm tìm cách chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988-5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan phải chạy lánh nạn. Cũng kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra. Hiện hai nước được ngăn cách bởi một vùng phi quân sự, nhưng bên nào cũng tố cáo đối phương vi phạm vùng phi quân sự./.