Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ việc Hải quân Anh đưa tàu đổ bộ tới Biển Đông, gọi đây là hành động “khiêu khích”. Phía London cũng cứng rắn phản pháo lại rằng, họ đã thực thi quyền tự do hàng hải hoàn toàn phù hợp với luật pháp và các quy định quốc tế.
Chỉ trích từ chính phủ Trung Quốc đưa ra sau khi tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa những ngày gần đây khi đang trên đường tới cập cảng tại TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) vào ngày 3/9 vừa qua. Theo nguồn tin Reuters, tàu HMS Albion sau khi được triển khai tới Nhật Bản đã tiếp tục hành trình đến Việt Nam. Reuters cho biết, Trung Quốc đã điều một tàu khu trục nhỏ và 2 máy bay trực thăng tới thách thức tàu đổ bộ của Anh, song cả hai bên không hề gây cản trở lẫn nhau.
Theo nguồn tin Reuters, tàu HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh không tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh đảo Hoàng Sa, tuy nhiên, hành động của tàu Anh lại khẳng định rằng London không công nhận bất cứ tuyên bố hàng hải quá đáng nào quanh Hoàng Sa.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng, tàu Hải quân Anh đã tiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc hôm 31/8 mà không được sự cho phép và đã nhận cảnh báo từ Hải quân Trung Quốc phải rời đi.
“Các hành động của tàu đổ bộ Anh đã vi phạm luật pháp Trung Quốc, luật pháp quốc tế liên quan và xâm phạm chủ quyền Trung Quốc. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành động này và đã gửi tới phía Anh sự không hài lòng mạnh mẽ, yêu cầu Anh ngay lập tức chấm dứt các hành động khiêu khích này”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
Theo các nguồn tin ngoại giao khu vực, tàu của Hải quân Anh trước đó đã nhiều lần tiến gần quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây. Song không lần nào tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh các quần đảo này, như các tàu của Mỹ đã làm trước đây. Với hành trình tới Việt Nam và cập cảng tại TP. Hồ Chí Minh ngày 3/9, tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion lần này tiến gần quần đảo Hoàng Sa. Một người phát ngôn Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định: “HMS Albion đã thực thi các quyền tự do hàng hải và tuân thủ hoàn toàn luật pháp và các quy định quốc tế”.
Tàu hải quân Anh thách thức tuyên bố phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Việc Hải quân Hoàng gia Anh đưa tàu chiến tới Biển Đông không phải là hành động gây bất ngờ. Thực tế, cùng với Mỹ, Anh đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về đảm bảo quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, tuyến vận tải thương mại trị giá 3.000 tỷ USD mỗi năm. Đi kèm với thông điệp này, HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh đã lên đường tới châu Á-Thái Bình Dương, với 220 thành viên thủy thủ đoàn hồi đầu năm 2018. Đến tháng 6 vừa qua, HMS Sutherland đã cập cảng tại Singapore. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng đã thông báo kế hoạch đưa 3 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tới châu Á-Thái Bình Dương, nhằm phát đi “những tín hiệu mạnh mẽ nhất”. Và theo kế hoạch, Anh tiếp tục đưa các tàu chiến gồm tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll tới vùng biển châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay. Bộ trưởng Williamson khẳng định, một phần sứ mệnh của đội tàu này là đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại.
Giới chuyên gia quân sự không thể phủ nhận một điều rằng, Trung Quốc đã củng cố được sức mạnh quân sự trên Biển Đông. Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực tranh chấp tại Biển Đông sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây mất ổn định khu vực.
Việc triển khai tàu đổ bộ HMS Albion của Anh, cũng như chỉ trích mạnh mẽ của phía chính phủ Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh 2 bên đang chuẩn bị các cuộc đàm phán hậu Brexit- việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Anh dự kiến khởi động các vòng đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại tự do. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vụ việc HMS Albion cho rằng, sự kiện này có thể ảnh hưởng tới bức tranh hợp tác song phương rộng lớn giữa 2 bên, cũng như tác động tới hòa bình và ổn định khu vực./.
Mỹ cứng rắn với Trung Quốc tại Biển Đông?