Phát biểu trên kênh truyền hình Anh Sky News sáng ngày 18/9, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết diễn biến dịch Covid-19 tại Anh đang ngày càng trở nên phức tạp khi số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại nước này đang mạnh trở lại sau kỳ nghỉ Hè. Đáng lo ngại hơn là số ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị cũng đang tăng nhanh với tốc độ gấp đôi sau mỗi 8 ngày.
Trước tình hình đó, theo ông Matt Hancock, chính phủ Anh buộc phải tính đến tất cả các phương án, kể cả việc tái phong tỏa toàn quốc lần thứ hai.
“Phong tỏa toàn quốc là phương án đối phó cuối cùng nhưng như những gì chúng ta đã chứng kiến hồi mùa Xuân vừa qua, đó cũng là cách mà chúng ta có thể thực hiện để bảo vệ an toàn cho người dân nếu cần thiết phải làm. Vì thế chúng tôi đang theo dõi các diễn biến hiện nay một cách thận trọng”, ông Hancock nói.
Theo các số liệu trong những ngày gần đây, hiện trung bình mỗi ngày nước Anh ghi nhận thêm từ 3 ngàn đến 4 ngàn ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Tuy con số này thấp hơn nhiều các nước như Tây Ban Nha hay Pháp nhưng chính phủ Anh lo ngại hệ thống y tế nước này có thể lại bị đe dọa nếu làn sóng nhiễm bệnh gia tăng trở lại, do so với các nước châu Âu khác, Anh là nước chịu thiệt hại nặng nhất trong làn sóng dịch thứ nhất.
Theo dự kiến, trong ngày 18/9, chính phủ Anh sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp mới nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch, theo đó các hộ gia đình sẽ bị cấm tụ tập, các điểm vui chơi giải trí sẽ bị đóng cửa từ 22h. Trước đó, Anh đã ra lệnh cấm tụ tập quá 6 người nơi công cộng.
Ngoài Anh, tình hình dịch Covid-19 cũng đang diễn biến xấu với tốc độ nhanh tại châu Âu, đặc biệt tại hai quốc gia là Tây Ban Nha và Pháp. Chính phủ cả hai nước này trong ngày hôm nay cũng sẽ công bố các biện pháp hạn chế đi lại tại các “vùng đỏ” như thủ đô Madrid tại Tây Ban Nha hay các thành phố Nice, Bordeaux, Marseille tại Pháp.
Giám đốc Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới – WHO, ông Hans Kluge ngày 17/9 cho biết, dịch Covid-19 tại châu Âu đã trở lại mức báo động khi số ca nhiễm hàng ngày tại châu Âu hiện nay đã cao hơn mức của tháng 3 và tháng 4/2020, thời điểm làn sóng dịch thứ nhất đạt đỉnh.
Ông Hans Kluge cũng lên tiếng cảnh báo các nước châu Âu không nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày với các ca nghi nhiễm. Tại châu Âu, Anh và CH Ireland đã rút ngắn thời gian này xuống còn 10 ngày còn Pháp thậm chí rút xuống còn 7 ngày./.