Trong một tuyên bố được chờ đợi, mới đây Anh đã quyết định thay đổi sự lựa chọn của mình và hiện sẽ tập trung nỗ lực để có được chiến đấu cơ F-35 B của Mỹ (loại chiến đấu cơ có cơ chế STOVL - có thể cất cánh với đà ngắn và hạ cánh thẳng đứng) để thay thế cho F-35C thông thường của Hải quân nước này (chiến đấu cơ tác chiến hiệp đồng JSF).

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond khẳng định, chính phủ Anh đã quyết định ngừng các kế hoạch mua phiên bản F-35C hải quân với lý do chi phí gia tăng “không lường trước được”, đồng thời trì hoãn việc nâng cấp các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia - vốn nhằm chuyên chở các máy bay F-35C.

Chi phí để cải tạo một tàu sân bay loại này ít nhất sẽ gấp đôi so với ước tính ban đầu chỉ 1,6 tỉ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho rằng những chi phí này có thể sẽ tác động lớn đến các năng lực quốc phòng khác của Anh.

f35b.jpg
Anh hiện sẽ tập trung nỗ lực để có được chiến đấu cơ F-35 B của Mỹ (Ảnh: Lockheed Martin)
Đảng Lao động Anh (hiện không còn là đảng cầm quyền) ban đầu lựa chọn F-35B STOVL cho kế hoạch triển khai các tàu sân bay trọng tải 65.000 tấn thế hệ mới của Hải quân Hoàng gia - vào thời điểm đó đang trong quá trình chế tạo. Lúc đó, kế hoạch này đã bị gạt sang một bên bởi chính phủ liên minh của Đảng bảo thủ, để nhường chỗ cho chiến đấu cơ F-35C, với lý do chi phí thấp hơn của F-35C và tầm hoạt động xa hơn, khả năng tiên tiến của phiên bản F-35C cải tiến.

Hiện tại, chính phủ Anh không còn đánh giá cao khả năng của F-35C được cải tiến khi so sánh với phiên bản F-35B. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh khẳng định rằng, việc quay trở lại với F-35B STOVL sẽ không có bất cứ ảnh hưởng nào tới các chiến dịch của Hải quân Hoàng gia.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh, nước này sẽ tiếp tục cam kết hợp đồng tác chiến với hải quân Mỹ và Pháp. Tuy nhiên ông Hammond nhấn mạnh rằng, sự chú trọng của Hải quân Anh sẽ “giảm hơn nhiều về khả năng cất cánh các máy bay của mình khỏi các tàu sân bay của Mỹ hoặc Pháp và ngược lại, nhưng sẽ gia tăng về việc đảm bảo rằng khả năng tác chiến tàu sân bay của Anh có thể kết hợp với các lực lượng đồng minh trong các chiến dịch hiệp đồng hoặc liên minh”.

Với quyết định quay trở lại F-35B, chính phủ Anh dường như muốn làm khả quan hơn về triển vọng thực hiện các sự mệnh và hoạt động của các tàu sân bay, cho phép Hải quân Anh duy trì sự hiện diện tiếp tục ở các vùng biển bằng một tàu sân bay.

Mặt khác, một cách rộng rãi, Bộ Quốc phòng Anh thừa nhận chưa có một khoản tài chính nào được đưa vào ngân sách để đảm bảo yêu cầu cho việc triển khai một tàu sân bay thứ hai và sẽ chưa có quyết định nào được đưa ra sắp tới cho tới khi Báo cáo Quốc phòng An ninh Chiến lược 2015 (SDSR) được công bố.

Số lượng F-35B mà Anh sẽ mua cũng sẽ chưa được quyết định cho tới khi SDSR 2015 được hoàn thành./.