Trái với những dự đoán về một sự nồng ấm hơn khi Anh quyết tâm rời Liên minh châu Âu, mối quan hệ giữa Anh và Nga những ngày qua lại có dấu hiệu gia tăng căng thẳng. Chiến hạm Anh hôm qua áp tải một tàu của Nga đi qua gần lãnh hải Anh, cho rằng, Hải quân Nga đã gia tăng hoạt động gần nước này trong dịp Giáng sinh.

tau_nga_anh_vtzl.jpg
Hình ảnh tàu chiến Anh "áp tải" tàu Nga trong vụ việc này. Ảnh: Hải quân Anh.

Bộ Quốc phòng Anh hôm qua cho biết, chiến hạm Anh đã phải áp tải một tàu Nga đi qua gần lãnh hải Anh trong dịp Giáng sinh. Cụ thể, tàu khu trục HMS St Albans khởi hành ngày 23/12 để theo dõi tàu Đô đốc Gorshkov của Nga khi nó đi qua Biển Bắc. Chiến hạm Anh đã theo sát tàu Nga trong suốt Giáng sinh và sẽ trở về cảng Portsmouth vào cuối ngày hôm nay.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Anh, một chiếm hạm khác của Anh là HMS Tyne đã được triệu tập để áp tải tàu thu thập thông tin tình báo của Nga ở Biển Bắc và eo biển Anh vào đêm trước Giáng sinh. Một chiếc trực thăng sau đó được phái tới để theo dõi hai tàu Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson khẳng định, nước này sẽ không ngần ngại bảo vệ vùng biển Anh và không dung thứ bất kỳ hình thức xâm phạm nào. Hiện Nga chưa đưa ra phản ứng trước thông tin này.

Những sự kiện mới này diễn ra trong bối cảnh  mối quan hệ giữa Nga và Anh đang khá căng thẳng. Trong chuyến thăm Moscow tuần trước, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã nói rằng, có rất nhiều bằng chứng cho thấy Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài dù phía Nga và Ngoại trưởng nước này Sergey Lavrov ngay trong cuộc gặp đã bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng là “vô căn cứ.”

“Chúng ta vẫn chưa thấy có bằng chứng cụ thể nào. Nếu đúng là có những bằng chứng dồi dào, thì tới nay đã phải xuất hiện. Tuy nhiên, thực tế là ngoài  những tuyên bố không có căn cứ thì chúng tôi không nghe thấy bất cứ điều gì.”

Trước đó, quyết tâm của Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, đã được giới chuyên gia cũng như nhiều tờ báo lớn trên thế giới nhìn nhận là một “món quà đối với nước Nga”, khi không chỉ dỡ bỏ một chướng ngại đáng kể trong quan hệ năng lượng giữa Nga và Liên minh châu Âu, mà còn làm gia tăng sức nặng cũng như hiệu quả trong chính sách đối ngoại và đối nội của Tổng thống Vladimir Putin.

Mặt khác, nó cũng được xem là cơ hội cho nước Anh vượt qua những giới hạn, khuôn khổ của Liên minh châu Âu để tìm kiếm các mối quan hệ mới thiết thực hơn.

Và chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Anh trong vòng 5 năm qua được xem là cơ hội quý để hai bên thực hiện các tham vọng của mình. Tại cuộc gặp, dù chỉ trích Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài, song Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh cũng không quên nhấn mạnh, Anh và Nga cần hợp tác vì lợi ích an ninh toàn cầu, đồng thời khẳng định sự tương đồng giữa hai nước quan trọng hơn nhiều so với những bất đồng.

Tín hiệu tan băng trong quan hệ Nga - Anh

VOV.VN - Sau gần một thập kỷ chỉ trích gay gắt chính sách ngoại giao của Nga, đang có dấu hiệu cho thấy Anh một lần nữa lại sẵn sàng hợp tác với Nga.

Ông Johnson nói: “Có thể có những khó khó khăn, có những vấn đề trong mối quan hệ giữa hai nước. Song điều này không thể ngăn Anh và Nga cố gắng để thúc đẩy mối quan hệ vì lợi ích an ninh toàn cầu. Đây là điều mà chúng tôi muốn làm.”

Tuy nhiên, việc ông Boris Johnson không lên kế hoạch bất kỳ một cuộc gặp nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng phần nào cho thấy những thách thức trong mối quan hệ hai bên. Bên cạnh đó còn là sự hoài nghi lẫn nhau sau cái chết của cựu điệp viên Nga Alexandre Litvineko hồi năm 2006, là sự đối đầu về lập trường liên quan cuộc xung đột Syria hay cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây không phải lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố phải áp tải một tàu của Nga có ý định tiến gần tới lãnh hải nước này. Những sự vụ tương tự cũng từng xảy ra hồi đầu năm nay hay trước đó là giữa năm ngoái. Song việc những tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Ngoại trưởng nước này Boris Johnson tới Nga đã cho thấy con đường để đi tới “bình thường hóa” mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều chông gai. Hơn nữa tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh "sẽ không ngần ngại bảo vệ vùng biển Anh và không dung thứ bất kỳ hình thức xâm phạm nào” là minh chứng rõ nhất cho thấy, Anh vẫn chưa thay đổi cái nhìn “tiêu cực” đối với Nga. Và một khi điều này không thay đổi thì quan hệ giữa Anh và Nga cũng sẽ chưa thể được cải thiện./.