Tính đến ngày 9/9, số người thiệt mạng do lũ lụt ở Ấn Độ và Pakistan đã tăng lên 355 người. Trong khi đó lực lượng cứu hộ ở hai nước vẫn đang tiếp tục nỗ lực giải cứu hàng nghìn người khác bị mắc kẹt và phân phát hàng cứu trợ khẩn cấp. Sau chuyến thị sát khu vực thảm họa ở biên giới với Pakistan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 8/9, đã lên tiếng đề nghị giúp đỡ quốc gia láng giềng cùng khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 175 người. Đây được xem là trận lụt nghiêm trọng nhất ở khu vực này trong hơn 5 thập kỷ qua. Phát biểu khi thị sát khu vực thảm họa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi đây là thảm họa quốc gia, đồng thời thông báo khoản hỗ trợ bổ sung trị giá 11 tỷ rupee cho các nạn nhân bị lũ lụt.
Trong khi đó, công tác cứu hộ vẫn diễn ra khẩn trương tại vùng thảm họa. Hơn 22 máy bay trực thăng, 4 máy bay chiến đấu được triển khai để sơ tán người dân và cung cấp hàng cứu trợ. Hơn 120 đơn vị quân đội và 8 đội dự bị cảnh sát trang bị 70 chiếc tàu thuyền, áo phao... được huy động, làm việc trong tình trạng cứu trợ cao nhất.
Chỉ huy lực lượng cứu trợ quốc gia Jagdish Singh cho biết đã giải cứu được gần 5.200 người, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ và người già. Ông Jagdish Singh nói: “Trong công tác sơ tán người dân, chúng tôi đã thiết lập hàng chục trại trú ấn cùng nhiều trại y tế lưu động để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong khu vực. Mỗi ngày đội y tế điều trị từ 250 đến 300 người. Các nhân viên y tế làm việc gần như 24/24h với tinh thần cao nhất. Hiện chúng tôi cần là có thêm những chiếc xe cứu thương”.
Sau chuyến thị sát khu vực bị thảm họa giáp biên giới với Pakistan (Kashmir), Thủ tướng Ấn Độ Modi, trong bức thư gửi người đồng cấp Nawaz Sharif ngày 8/9, đã đề xuất hỗ trợ người dân quốc gia láng giềng đang chịu chung cảnh ngộ.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý thảm họa thiên tai quốc gia Pakistan cho biết, tính đến sáng 9/9, mưa đã giảm bớt song số người chết do lũ lụt tại nước này đã lên tới 205 người.
Tỉnh Punjab, thành phố Sinnagar gần 1 triệu dân là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Những trận mưa gió mùa dữ dội liên tiếp trút xuống suốt 3 ngày qua đã gây ra tình trạng úng ngập nghiêm trọng. Hơn 4.000 ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi và hơn chục cây cầu lớn bị hư hại. Một con sông lớn ở tỉnh Punjab bị tràn bờ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Hơn 2.500 ngôi làng trong khu vực bị ngập chìm trong nước lũ. Một vùng rộng lớn diện tích đất nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch của cả vùng đã bị mất trắng. Nhiều nơi, mực nước dâng cao gần hơn 2m, buộc người dân phải di chuyển lên mái nhà trong khi chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu.
Anh Sujoy, một nhân viên cứu hộ cho biết: “Trong vòng có một ngày, cả vùng Jamu ngập chìm trong biển nước, do con sông Chenab bị vỡ bờ, nhấn chìm hoàn toàn 600 ngôi làng. Trong số hàng trăm người mắc kẹt, có nhiều người kiên nhẫn chờ đội cứu hộ, song một nửa đã tự giải cứu bằng việc bơi đến vùng cao hơn.. Điều tồi tệ là hai cây cầu lớn trong vùng đều bị gẫy. Rất khó khăn, chúng tôi có thể tiếp cận được tất cả cùng một lúc bởi nơi đâu cũng có người kêu cứu. Tuy nhiên, giải cứu trẻ em, phụ nữ, người già là ưu tiên số một của chúng tôi”
Truyền thông Pakistan mô tả trận lụt này không khác gì một trận đại hồng thủy từng tàn phá nước này cách đây 4 năm khiến 1.700 nghìn thiệt mạng. Các quan chức Pakistan nhấn mạnh tình hình đã trở thành vấn đề khẩn cấp quốc gia.
Gia tăng nỗ lực trong công tác cứu nạn, chính quyền Pakistan đã huy động tổng lực quân đội, cảnh sát, không quân, lực lượng dân quân và người dân địa phương khắc phục thảm họa, với sự trợ giúp của nhiều tàu thuyền cứu hộ và trực thăng.
Mặc dù Chính phủ Pakistan đã gấp rút triển khai cứu trợ khẩn cấp tới các vùng lũ lụt song nhiều ngôi làng ở Kashmir hai ngày qua vẫn chưa tiếp cận được với hàng cứu trợ. Đặc biệt là việc thiếu nước sạch và sữa bột cho trẻ sơ sinh. Cơ quan khí tượng Pakistan lo ngại rằng mưa lớn gây lở đất có thể lan tới phía Nam tỉnh Sin trong vài ngày tới./.