Tàu Mars Orbiter được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, thuộc bang Andhra Pradesh, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành khoa học không gian Ấn Độ.

Dự kiến, con tàu nặng 1,3 tấn này sẽ lên tới quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 24/9/2014. Nhiệm vụ của nó là vẽ bản đồ bề mặt Hành tinh Đỏ, nghiên cứu bầu khí quyển và tìm kiếm khí methane, dấu hiệu cho thấy một hành tinh có khả năng có sự sống.

mar_copy.jpg
Tên lửa mang tàu vũ trụ Mars Orbiter rời bệ phóng (Ảnh ISRO)

Ông Ajey Lele, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ nhận xét: “Trong vòng 300 ngày đầu tiên, tàu Mars Orbiter sẽ phải đối mặt với các điều kiện khí quyển khắc nghiệt như các điều kiện bức xạ và một số các điều kiện khác. Tàu phải chịu đựng được tất cả các điều kiện này”.

“Nhiệm vụ của Ấn Độ là phải thành công đưa con tàu này đi vào quỹ đạo sao Hỏa. Đây có thể được xem là một nhiệm vụ đặc biệt, với trọng tâm là tìm ra câu trả lời về sự sự tồn tại của sự sống trên sao Hỏa,” ông nhấn mạnh.

Đây là một chương trình không gian đầy tham vọng mà chưa quốc gia châu Á nào thực hiện thành công. Cho đến nay, chỉ có Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu thành công trong việc đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa và Mỹ là nước duy nhất đưa tàu thăm dò đáp xuống bề mặt sao Hỏa, đó là trường hợp tàu Curiosity./.