Trong một thông báo, Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết, việc xuất khẩu lúa mì, bao gồm cả lúa mì có hàm lượng protein cao và các loại bánh mì mềm thông thường khác, sẽ chính thức bị cấm, bắt đầu từ ngày 13/5.
Theo ông Subrahmanyam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ, quyết định này của Chính phủ là nhằm kiểm soát lạm phát, cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Tuy nhiên, ông Subrahmanyam cho rằng, đây không phải là quyết định vĩnh viễn, Chính phủ Ấn Độ sẽ xem xét bãi bỏ trong thời điểm thích hợp.
Việc xuất khẩu lúa mì vẫn sẽ được phép áp dụng tới các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua các thỏa thuận giữa các Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực. Phía Ấn Độ kỳ vọng, quyết định này sẽ khắc phục tình trạng giá lúa mì trong nước tăng mạnh.
Các nhà kinh doanh và xuất khẩu lúa mì cho rằng, động thái của chính phủ Ấn Độ sẽ giúp ổn định giá lúa mì, khi mà nhiều thương nhân và nông dân đang tích trữ lượng lúa mì và chờ giá tăng cao hơn.
Giá lúa mì ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục ở một số thị trường. Chi phí nhiên liệu, nhân công và vận chuyển tăng cũng đã khiến giá lúa mì ở Ấn Độ tăng cao.
Theo dữ liệu chính thức, giá bột mì trung bình tại các thị trường bán lẻ (ngày 8/5) đã tăng gần 13% so với một năm trước. Ấn Độ đã xuất khẩu 7 triệu tấn lúa mì trong năm tài chính 2021-2022, tăng hơn 250% so với cùng kỳ năm trước. Vào tháng trước, nước này đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn lúa mì.
Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Ấn Độ; cho rằng động thái này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Bộ trưởng Nông nghiệp Đức, Cem Ozdemir cho rằng, lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến các nước như Bangladesh và Nepal cùng nhiều quốc gia khác phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực./.