Ngày 1/1, Ấn Độ đã chính thức bắt đầu đảm nhận vị trí thành viên Không Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2021-2022. Đây là lần thứ 8, quốc gia Nam Á này được bầu vào vị trí thành viên không thường trực của cơ quan quyền lực nhất trong hệ thống LHQ.
Ngoài Ấn Độ, 4 quốc gia khác gồm Nauy, Kenya, Ireland và Mexico cũng bắt đầu đảm nhận vai trò thành viên không thường trực của HĐBA từ tháng 1/2021.
Dự kiến vào tháng 8 năm nay, Ấn Độ sẽ giữ chức Chủ tịch HĐBA trong vòng 1 tháng. Trong lần thứ 8 được tham gia HĐBA LHQ, Ấn Độ muốn nhân cơ hội này để thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ HĐBA theo hướng thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng số lượng thành viên thường trực. Điều này đã được nhóm G4 gồm Ấn Độ, Đức, Nhật Bản và Brazil vận động trong nhiều năm qua. Ấn Độ cho rằng mình xứng đáng có một vị trí trong cơ cấu được cải tổ của HĐBA LHQ.
Hồi tháng 6/2020, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đưa ra các ưu tiên và cách tiếp cận của Ấn Độ khi nước này quay trở lại vị trí thành viên không thường trực HĐBA LHQ. Theo đó, Ấn Độ cam kết "một cơ chế đa phương cải tổ để phản ánh thực tế đương đại".
Trả lời phỏng vấn mạng tin India Today, Đại sứ, trưởng phái đoàn thường trực Ấn Độ tại LHQ Tirumurti nói: “Đây là lần thứ 8 Ấn Độ được bầu vào vị trí thành viên không thường trực HĐBA LHQ. Và trong tất cả những lần được giữ vị trí này, Ấn Độ luôn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ để ủng hộ các nước đang phát triển, dân chủ, pháp quyền, chủ nghĩa đa phương, hòa bình và an ninh và sự phát triển. Chúng ta chưa bao giờ từ bỏ các cơ hội để đề cao các vấn đề chung của nhân loại và chống khủng bố, bên cạnh đó là an ninh hàng hải, xây dựng và gìn giữ hòa bình”.
Hồi tháng 9/2020, phát biểu tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định rằng nhu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay với tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh là cải cách trong các phản ứng, quy trình và đặc điểm của LHQ. Ông Modi cũng đặt câu hỏi rằng Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của 1,3 tỷ người hiện vẫn đang nằm ngoài các cơ cấu ra quyết định tối cao của LHQ.
Trong lần thứ 8 ứng cử vào HĐBA LHQ, Ấn Độ là ứng cử viên duy nhất của nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Quốc gia Nam Á này đã giành được 184 phiếu trong tổng số 192 phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 6/2020 cho 5 vị trí không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2021- 2022./.