Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu ý dân giai đoạn đầu về dự thảo Hiếnpháp mới của Ai Cập cho thấy, 57% trong tổng số 30% cử tri đi bỏ phiếu đợt một ủng hộ bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi.
Theo các nhà phân tích, đây là kết quả khá mong manh vì trong giai đoạn đầu, chỉ có 1/3 số cử tri đi bỏ phiếu. Trong khi đó, nhóm đối lập chính của Ai Cập cáo buộc cuộc trưng cầu ý dân này mang tính gian lận, đồng thời tiếp tục kêu gọi các cuộc biểu tình lớn. Động thái này của phe đối lập có nguy cơ sẽ đẩy Ai Cập trở lại tình trạng bất ổn sau một thời gian lắng dịu.
Phụ nữ Ai Cập xếp hàng bên ngoài một địa điểm bỏ phiếu ở Cairo, ngày 15/12/2012 (Ảnh: AP) |
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ do phong trào Anh em Hồi giáo và các phương tiện truyền thông Ai Cập công bố, có khoảng 57% trong tổng số 30% cử tri đi bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo hiến pháp mới. Trong một tuyên bố, phong trào Anh em Hồi giáo cho biết, kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu ý dân cho thấy nguyện vọng của người dân Ai Cập. Đảng tự do và công lý ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo cũng đưa ra những cáo buộc về những hành vi sai trái của phe đối lập tại các điểm bỏ phiếu, song cho biết nhìn chung cuộc bỏ phiếu đã diễn ra thành công.
Nhiều người dân Ai Cập cũng cho biết, họ bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới là nhằm khôi phục sự ổn định của đất ước sau gần 2 năm bất ổn kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarack bị lật đổ hồi đầu năm 2011.
Ông Ahmed Atia, một cử tri cho biết: “Những người phản đối hiến pháp này là do quyền lợi của họ. Ai Cập đang lâm vào bế tắc và nhiều người dân còn nghèo, phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tôi bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp này vì nó sẽ đưa đất nước tiến lên phía trước”.
Trong khi phong trào Anh em Hồi giáo hoan nghênh sự đúng đắn trong quan điểm chính trị của các cử tri Ai Cập thì các nhà lãnh đạo đối lập lại cáo buộc cuộc bỏ phiếu gian lận. Các nhà lãnh đạo đối lập đã nhanh chóng bác bỏ kết quả sơ bộ khi cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân đã thất bại bởi phần lớn cử tri tại thủ đô Cairo và thành phố Alexandria lớn nhất Ai Cập lại nói “không” với bản dự thảo hiến pháp mới.
Trong một cuộc họp báo vào tối qua, phe đối lập Mặt trận cứu quốc Ai Cập đã kêu gọi người dân Ai Cập biểu tình nhằm bảo vệ sự tự do và ngăn chặn bất kỳ sự gian lận nào đối với quyết định của người dân Ai Cập.
Ông Khaled Dawoud, thành viên Mặt trận cứu quốc cho biết: “Chúng tôi cho rằng đã có một số các hành vi vi phạm trong cuộc trưng cầu ý dân giai đoạn một. Chúng tôi yêu cầu Uỷ ban giám sát cuộc trưng cầu ý dân xem xét một cách nghiêm túc yêu cầu của các tổ chức phi chính phủ rằng, giai đoạn đầu tiên của cuộc trưng cầu ý dân cần phải được tiến hành lại”.
Theo các nhà phân tích, mặc dù cuộc trưng cầu ý dân đã đi được nửa chặng đường, song không có nghĩa là sự chia rẽ tại quốc gia Trung Đông về bản dự thảo hiến pháp mới đã chấm dứt. Nhà lãnh đạo phe đối lập, cựu Ngoại trưởng Ai Cập Amr Moussa cho biết, mặc dù hơn một nửa số cử tri Ai Cập đi bỏ phiếu ủng hộ thì cũng không có nghĩa là dự thảo hiến pháp mới đã đạt được sự đồng thuận bởi đối với một cuộc trưng cầu ý dân quan trọng như lần này thì cần phải đạt được sự ủng hộ của ít nhất 2 phần 3 tổng số cử tri Ai Cập. Trong khi đó, theo các phương tiện truyền thông Ai Cập, trong vòng đầu tiên chỉ có khoảng 30% trong tổng số 26 triệu cử tri đi bỏ phiếu đợt một. Điều này cho thấy một kết quả khá mong mạnh vì nếu tỉ lệ đi bỏ phiếu tại giai đoạn 2 của cuộc trưng cầu ý dân vẫn thấp như hiện nay, thì cho dù hiến pháp có được thông qua, ông Mursi sẽ phải dành nhiều thời gian để bảo vệ tính hợp pháp của hiến pháp mới, thay vì bắt đầu tiến hành thảo luận về các chính sách cụ thể. Tổng thống khi đó cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc điều hành đất nước và phong trào Anh em Hồi giáo sẽ không dễ giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử Quốc hội sau đó./.