Rạng sáng 23/12 theo giờ Việt Nanm, cử tri Ai Cập kết thúc cuộc trưng cầu ý dân lần hai bản dự thảo Hiến pháp. Theo kết quả ban đầu, Dự thảo Hiến pháp mới của nước này đã nhận 64% số phiếu ủng hộ. Như vậy, bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi nhiều khả năng sẽ được thông qua. Theo nhận định của giới phân tích, bản dự thảo hiến pháp mới sẽ không giúp giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay, mà ngược lại có thể làm cho tình hình Ai Cập thêm rối ren.

ai-cap-4.jpg
Phụ nữ Ai Cập đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân (Ảnh: Reuters)

Giai đoạn hai cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới được tổ chức tại 17 tỉnh, thành còn lại của Ai Cập, trong đó có thành phố Suez, Ismailia, Giza và cảng Said. Ngay trước khi vòng hai diễn ra, phe đối lập đã kêu gọi những người ủng hộ biểu tình trên toàn quốc để phản đối trưng cầu ý dân. Đụng độ đã nổ ra tại nhiều nơi, trong đó có thành phố Alexandria lớn thứ hai của Ai Cập, làm nhiều người bị thương.

Theo hãng thông tấn chính thức Mena, kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày mai (24/12). Theo giới phân tích, bản dự thảo hiến pháp nhiều khả năng sẽ được thông qua, song kết quả này sẽ không giúp Ai Cập chấm dứt bế tắc chính trị mà ngược lại sẽ càng châm ngòi cho các hoạt động phản đối bùng nổ mạnh mẽ hơn.

Phe đối lập cho rằng, nội dung dự thảo Hiến pháp mới không phản ánh đầy đủ nguyện vọng của người dân, cũng như của các phe phái chính trị khác nhau. Họ lo ngại dự thảo Hiến pháp sẽ trao thêm nhiều quyền hành cho lực lượng Hồi giáo khiến quyền tự do dân chủ sẽ bị hạn chế. Ngay sau khi bắt đầu giai đoạn hai cuộc trưng cầu ý dân, liên minh các nhóm nhân quyền Ai Cập cho biết đã xảy ra nhiều gian lận trong bầu cử. Họ nêu ra các bằng chứng rằng nhiều hòm phiếu mở cửa muộn so với quy định, trong khi phe Hồi giáo tận dụng thời gian này để vận động cử tri. Mặt trận Cứu quốc đối lập cũng đã đưa ra hơn 10 bằng chứng để lưu ý về vi phạm được tiến hành trong vòng hai của cuộc trưng cầu dân ý.

Tham gia giai đoạn hai cuộc trưng cầu về bản Hiến pháp mới, những cử tri phản đối cho rằng: “Quyền lợi của chúng ta có được bảo đảm không. Hiến pháp mới có bảo đảm cho chúng ta được sống ổn định khi mà chúng ta phải làm việc để nuôi con dạy con cái hay không. Tôi nghĩ rằng không có những bảo đảm đó”.

Một người dân nói: “Tôi nói không với bản hiến pháp, bởi nó chỉ gây ra bạo lực và đổ máu, khiến đất nước chúng ta bị chia làm hai. Tôi không thể nói đồng ý với bản hiến pháp mà nhiều thanh niên đã chết vì nó”.

Còn những người ủng hộ cho rằng, đó là một bước cải cách to lớn thời “hậu Hosni Mubarak, hy vọng có thể mang lại ổn định và dân chủ cho đất nước.

Một cử tri ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp nói: “Người dân là người có quyền quyết định. Chúng tôi mong muốn ổn định, an toàn và đây là những điều quan trọng nhất. Do đó, cho dù nói đồng ý hay phản đối, hãy để người dân đưa ra quyết định cuối cùng”.

Tổ chức Anh em Hồi giáo, hiện đang cầm quyền, đã kêu gọi các phe phái tại Ai Cập tiến hành đối thoại để giải quyết các mâu thuẫn sau khi kết thúc cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới. Phát biểu khi đi thực hiện quyền công dân của mình, thủ lĩnh tinh thần tổ chức Anh em Hồi giáo Mohammed Badie cho biết: “Chúng ta phải tiến hành đối thoại chân thành và thẳng thắn với nhau, chứ không phải bằng cách ném đá, bạo lực. Chúng ta hãy làm theo kinh Koran, khi bạn tranh luận với ai đó, nên nói với họ theo cách chân thành”.

Dư luận Ai Cập lo ngại những tranh cãi về bản hiến pháp mới sẽ đẩy nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng. Vào đúng ngày diễn ra vòng hai cuộc trưng cầu ý dân về một bản hiến pháp mới, Phó Tổng thống Ai Cập Mahmud Mekki đã tuyên bố từ chức, vì "công việc chính trị không phù hợp với đặc trưng nghề nghiệp thẩm phán của mình".Trước đó, cũng có tin Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ai Cập Faruq El-Okda đã từ chức, trong bối cảnh kinh tế tại Ai Cập khủng hoảng khi nguồn dữ trữ ngoại hối thu hẹp và đầu tư nước ngoài sụt giảm 2 năm sau khi diễn ra phong trào nổi dậy lật đổ Tổng thống Mubarack./.