Cuộc bầu cử Tổng thống lần này đánh dấu sự chuyển giao quyền lực một cách dân chủ lần đầu tiên tại nước này kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ hồi năm 2001. An ninh đã được tăng cường tối đa tại các điểm bỏ phiếu nhằm chặn hành động phá hoại của Taliban.

Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 16h (giờ địa phương). Tuy nhiên, theo Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan(IEC), thời gian bỏ phiếu có thể được kéo dài nếu cần thiết. Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được thông báo vào ngày 2/7 và kết quả cuối cùng công bố ngày 22/7.

 

 

Một phụ nữ Afghanistan tham gia bỏ phiếu (Ảnh EPA)

Cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai là sự tranh đua giữa hai ứng cử viên giành số phiếu cao nhất, nhưng không đủ số phiếu quá bán để đắc cử trong cuộc bầu cử vòng một.

Cử tri Afghanistan sẽ lựa chọn một trong hai ứng cử viên là cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah và cựu chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) Ashraf Ghani.

Theo Hiến pháp Afghanistan, đương kim Tổng thống Karzai đã đảm đương cương vị lãnh đạo đất nước hai nhiệm kỳ, vì vậy không được phép ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

Sau hơn một thập kỷ đất nước chìm trong bất ổn và bạo lực kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến “chống khủng bố” lật đổ chính quyền Taliban hồi năm 2011, người dân Afghanistan hy vọng cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên này sẽ diễn ra suôn sẻ. Điều mà các cử tri mong đợi nhất là Tổng thống mới sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước.

Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan diễn ra vào thời điểm các lực lượng NATO đang gấp rút hoàn thành kế hoạch rút quân vào cuối năm nay, trong khi Mỹ và Chính phủ đương nhiệm Afghanistan chưa thể ký kết thỏa thuận an ninh song phương, theo đó có thể cho phép một số lượng binh sỹ Mỹ ở lại quốc gia Nam Á này sau năm 2014.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Brack Obama đã công bố kế hoạch sẽ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan và đến hết năm 2016 chỉ duy trì sự hiện diện ở cấp Đại sứ thông thường. 

Trong bối cảnh đó, bất cứ ai trở thành Tổng thống Afghanistan sau cuộc bầu cử ngày 14/6 đều phải gánh trọng trách nặng nề trong việc ổn định tình hình và duy trì hòa bình trong thời điểm quá độ sau khi phương Tây rút quân.

Phục hồi kinh tế, tiếp tục tái thiết đất nước sau những thập niên chiến tranh liên miên cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn./.