Cổ nhân phương Đông có câu “nhất thủy, nhì hỏa”, nói về lũ lụt - một trong những thế lực mạnh nhất của tự nhiên. Trong khi các nền văn minh Ai Cập cổ đại coi lũ lụt là một điều may mắn, lũ lụt đã tàn phá suốt lịch sử nhân loại. Những khu vực có nguy cơ bị lũ lụt đã chứng kiến vô số người thiệt mạng, cơ sở hạ tầng và tài sản bị phá hủy hết lần này đến lần khác. Dưới đây là 9 trận lũ lụt cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất.
9- Lũ lụt Biển Bắc, Hà Lan (1212)
Hà Lan - đất nước nằm trên các cửa sông Rhine, sông Scheldt và sông Meuse - là một trong những "nạn nhân" lớn nhất của lũ lụt. Người ta ước tính, trận lụt ở Biển Bắc bắt đầu vào tháng 6/1212 và kết thúc sau hơn sáu tháng sau đó, đã cướp đi sinh mạng của khoảng 60.000 người; hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa. Trận lũ cũng gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với tài sản và cơ sở hạ tầng. Đất nước có biểu tượng là cối xay gió đã phải mất hơn hai năm để phục hồi sau trận lụt này.
8- Trận lụt ở St. Lucia, Hà Lan (1287)
Trận lụt ở St. Lucia ngày 12/12/1287 đã giết chết từ 50.000-80.000 người ở Hà Lan và Bắc Đức được hình thành bởi sự kết hợp của triều cường, gió giật và áp thấp, đã phá hủy một số ngôi làng và thị trấn nhỏ. Trận lụt St. Lucia đã thay đổi lịch sử của Hà Lan - phá hủy tất cả các ngôi làng giữa biển và làng Amsterdam. Sau lũ lụt, ngôi làng nội địa Amsterdam đã trở thành một thị trấn ven biển, đã dẫn đến sự phát triển của Amsterdam thành thành phố huyền thoại như ngày nay.
7- Lũ lụt sông Giang Tô-An Huy, Dương Tử, Trung Quốc (1911)
Dương Tử là con sông dài thứ ba trên hành tinh và là con sông dài nhất chảy hoàn toàn trong một quốc gia. Con sông dài 3.917 dặm này là tuyến của giao thông và thủy lợi chủ yếu ở Trung Quốc. Trận lụt Giang Tô-An Huy năm 1911 xảy ra khi sông Dương Tử và sông Hoài bắt đầu ngập lụt cùng một lúc, đã cướp đi sinh mạng của 100.000 người, khiến khoảng 375.000 người mất nhà cửa và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
6- Trận lụt của St. Felix, Hà Lan (1530)
Trận lụt được đặt tên St. Felix vì nó xảy ra vào ngày của Thánh Felix đã xóa sổ hơn một chục ngôi làng và một số thị trấn. Ước tính khoảng 120.000 người đã thiệt mạng và tài sản trị giá hơn 100 triệu euro bị phá hủy. Vì trận lụt này, ngày 5/11/1530 được gọi là “Thứ Bảy Ác quỷ” trong lịch sử Hà Lan. Cho đến nay đây là trận lũ lụt kinh hoàng nhất trong lịch sử châu Âu.
5- Lũ sông Dương Tử, Trung Quốc (1935)
Sông Dương Tử chứng kiến lũ lụt theo mùa khá thường xuyên nhưng hầu như nó không gây chết người. Nhưng trận lụt sông Dương Tử năm 1935 đã giết chết hơn 145.000 người và khiến hàng triệu người màn trời chiếu đất, mang đến nạn đói lớn và những căn bệnh chết người như bệnh lao, sốt rét và viêm da trên khắp lưu vực sông, phá hủy mọi thứ mà họ đã xây dựng lại kể từ trận lụt năm 1931.
4- Bão Nina/vỡ đập Banqiao, Trung Quốc (1975)
Bão Nina gây ra lượng mưa hơn một năm chỉ trong 24 giờ, điều mà các nhà dự báo thời tiết không dự đoán được. Đập Banqiao trên sông Ru bị vỡ ngày 8/8/1975 do cơn bão Nina ngay lập tức giết chết hơn 86.000 người; sự cố vỡ đập Banqiao kéo theo nhiều đập nhỏ khác gần đó bị vỡ, 145.000 người khác thiệt mạng do đói và bệnh tật.
3- Lũ sông Hoàng Hà, Trung Quốc (1938)
Trận lụt sông Hoàng Hà năm 1938 đã giết chết khoảng 800.000 người ở Trung Quốc. Đáng nói, lũ lụt được tạo ra một cách nhân tạo bởi Chính phủ Quốc dân Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai. Các lực lượng Nhật Bản đang chuyển quân và chính phủ Trung Quốc muốn ngăn chặn họ, vì vậy, họ đã phá hủy các con đê trên sông Hoàng Hà, để nước chảy tự do qua các tỉnh khác nhau. Thật không may cho quân Trung Quốc, quân Nhật đã vượt ra khỏi tầm bị ảnh hưởng của trận lụt, hầu hết các nạn nhân của trận lụt đều là người Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận sự liên đới của họ trong trận lụt cho đến khi Nhật Bản chấp nhận thất bại vào năm 1945.
2- Lũ sông Hoàng Hà, Trung Quốc (1887)
Ngoài trận lụt năm 1938 do chính phủ Trung Quốc cố tình gây ra, trước đó, sông Hoàng Hà đã chứng kiến một trận lũ lụt thậm chí còn lớn hơn vào ngày 28/9/1887. Người ta ước tính trận lũ đã giết chết từ 900.000 đến 2 triệu người, khoảng 2 triệu người mất nhà cửa, các vùng đất nông nghiệp và một số thị trấn nhỏ bị phá hủy hoàn toàn. Không có gì ngạc nhiên khi sông Hoàng Hà được đặt biệt danh là “Nỗi buồn của Trung Quốc”.
1- Lũ lụt Trung Quốc (1931)
Một đợt hạn kéo dài 2 năm sau đó là các trận bão tuyết lớn, thậm chí là mưa lớn hơn và lốc xoáy cao hoành hành. Đến tháng 7/1931, ba con sông lớn nhất ở Trung Quốc (Dương Tử, Hoàng Hà và Hoài) đã chảy trên khả năng tối đa của chúng. Người ta ước tính trận lụt đã giết chết từ 1 triệu đến 4 triệu người, hầu hết là do đói và bệnh tật. Lũ lụt đã phá hủy mùa màng và nguồn nước ô nhiễm đã mang đến cho quần chúng những bệnh truyền nhiễm như kiết lỵ và thương hàn - là trận lụt chết chóc nhất trong lịch sử loài người được biết đến. Chính sau trận lụt năm 1931, chính phủ Trung Quốc mới nhận ra tầm quan trọng của hệ thống quản lý thiên tai, sau đó đã thiết lập Hệ thống quản lý thiên tai hiệu quả để đối phó với bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào./.