Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Thảm họa Địa chất Yogyakarta, Indonesia cho biết, trong ngày 22/11 có 50 trận tuyết lở đã được quan sát thấy, 81 cơn gió giật, 342 trận động đất nhiều pha, 41 trận động đất núi lửa nông và 1 trận động đất kiến tạo xa xảy ra ở khu vực núi lửa Merapi.
Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Thảm họa Địa chất Yogyakarta, ông Hanik Humaida, khuyến khích người dân giữ bình tĩnh và tuân thủ các khuyến nghị từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Sau khi Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp tại núi lửa Merapi ngày 5/11 vừa qua, cho đến nay hoạt động địa chấn trên núi Merapi vẫn ở mức khá cao. Các cơn địa chấn nông chiếm ưu thế xảy ra trong hoạt động của Núi Merapi dẫn đến sự không ổn định của vật liệu cũ trên đỉnh. Cơ quan chức năng Indonesia tiếp tục duy trì trạng thái cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn phun trào núi lửa Merapi có thể xảy ra trong bán kính 5km tính từ đỉnh núi.Các hoạt động khai thác tại các con sông bắt nguồn từ núi Merapi và các hoạt động du lịch, leo núi bị tạm dừng.
Chính quyền các khu vực xung quanh cũng được yêu cầu chuẩn bị mọi thứ liên quan đến nỗ lực giảm nhẹ thiên tai do núi Merapi có thể phun trào bất cứ lúc nào, đồng thời sẵn sàng các phương án xử lý thảm họa phun trào bao gồm phân bổ ngân sách, tăng cường nhận thức về những nguy cơ tiềm ẩn của vụ phun trào Merapi và sơ tán cư dân.
Vụ phun trào lớn gần đây nhất của núi lửa Merapi trong năm 2010 đã cướp đi sinh mạng hơn 300 người và khiến khoảng 280.000 cư dân phải sơ tán khỏi các khu vực xung quanh.Trước đó, năm 1930, núi lửa Merapi phun trào đã khiến khoảng 1.300 người chết. Năm 1994, núi lửa Merapi tiếp tục phun trào cướp đi 60 sinh mạng.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một vùng bất ổn địa chất rộng lớn, nơi sự va chạm của các mảng kiến tạo thường xuyên gây ra các trận động đất và hoạt động núi lửa./.