Về việc Vinasun kiện Grab về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có phương thức kinh doanh vi phạm pháp luật và gây thiệt hại cho Vinasun hơn 40 tỷ đồng, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Chiến –  Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Tòa án đang xem xét vụ việc này. Đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp kiện nhau về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cũng là điểm mới đòi hỏi tòa án xét xử hết sức khách quan và bảo đảm căn cứ.

vinasun_grab_wupc.jpg
Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab). (Ảnh minh họa: KT)
Theo LS. Chiến, đối với việc tòa án xét xử những vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì không mới, đó là những quy định pháp luật đưa ra cụ thể ở trong Bộ luật Dân sự cũng như trong quy trình giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự, nhưng việc xem xét đánh giá các tài liệu chứng cứ đối với các vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đòi hỏi các bên đương sự phải chứng minh.

“Nhất là bên đi kiện (bên nguyên đơn) phải chứng minh việc bên kia vi phạm và vi phạm cụ thể những quy định của pháp luật nào, và từ hành vi vi phạm ấy gây ra hậu quả thiệt hại cho mình như thế nào”, LS. Nguyễn Chiến cho hay.

ĐBQH Nguyễn Chiến cho rằng, tòa án đóng vai trò trung gian ở giữa để tiếp nhận tài liệu chứng cứ của các bên để từ đó có các phán quyết phân xử phù hợp với nguyên tắc chung. Vụ việc trên đặt ra việc chứng minh bồi thường thiệt hại và chỉ ra các vi phạm dẫn đến hậu quả. Về nguyên tắc thì bên đi kiện phải chứng minh rằng hậu quả mà bên mình bị thiệt hại phải do bên kia gây ra, từ đó buộc bên kia phải có trách nhiệm bồi thường.

Luật sư Nguyễn Chiến
Việc chứng minh bồi thường thì phải có căn cứ pháp lý cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật về cơ sở để tòa án chấp nhận. Vấn đề mấu chốt là chứng cứ họ chứng minh được đến đâu là trách nhiệm của bên yêu cầu được bồi thường. Nếu có đầy đủ căn cứ thì tòa sẽ chấp nhận. Nhưng nếu như không có đầy đủ căn cứ pháp lý thì tòa có thể chấp nhận một phần, tùy theo xem xét chứng cứ mà tòa án khi quyết định mà không phụ thuộc vào kết luận của đại diện viện kiểm sát ở tại phiên toàn, LS. Chiến nêu rõ.

Kết luận của đại diện viện kiểm sát, vai trò của đại diện viện kiểm sát tham gia tố tụng tại phiên tòa chiến tranh thương mại như tòa đã xem xét. Vai trò và trách nhiệm của viện kiểm sát là phải xem xét về quy trình tuân thủ pháp luật của tòa án trong quá trình thụ lý xử lý vụ án như thế nào. Việc tham gia tố tụng giữa các bên đương sự và những người tham gia tố tụng khác được tòa án đưa vào thì có bảo đảm theo quy định của pháp luật hay không.

Trong vụ việc của Vinasun và Grab, theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cần một đơn vị thẩm định về yêu cầu của bên khởi kiện để bảo đảm tính khách quan và có căn cứ. “Anh có thể đưa ra yêu cầu khởi kiện về thiệt hại của anh, đấy là theo quan điểm của anh, nhưng để đảm bảo đúng quy trình về bài toán kinh tế anh bị thiệt hại trong hoạt động kinh doanh do lỗi của người thứ 3, đơn vị khác hay không, thì phải là một cơ quan trung gian được nhà nước công nhận xem xét thẩm định. Từ đó mới đặt ra được yêu cầu của bên khởi kiện cũng như kết luận thẩm định của cơ quan giám định về mặt tài chính để xác định thiệt hại xem phù hợp và có căn cứ đến đâu", LS. Nguyễn Chiến chỉ rõ.

Tuy nhiên, LS. Chiến cho rằng, tòa án không thể chấp nhận vô điều kiện, không thể chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bên khởi kiện, cũng không thể chấp nhận toàn bộ theo kết quả thẩm định của cơ quan giám định mà tòa có quyền đánh giá xem xét kết luận đó có hoàn toàn khách quan và phù hợp hay không và ở mức độ nào. Và viện kiểm sát đánh giá cũng phải dựa trên cơ sở từ yêu cầu của bên đòi bồi thường và kết quả giám định, từ đó xem xét có phù hợp với pháp luật không và ở mức độ nào rồi đưa ra đề nghị. Tòa án thì đánh giá tổng hợp, kể cả yêu cầu khởi kiện và kết quả giám định và quan điểm đánh giá của viện kiểm sát. Có những trường hợp mà cả 3 yêu cầu này bị tòa án bác bỏ bởi vì không phù hợp với quy định của pháp luật. Có những trường hợp tòa án chấp nhận các yêu cầu của bên khởi kiện và ý kiến của viện kiểm sát. Cũng có khi tòa chỉ chấp nhận một phần.

Trong vụ việc Vinasun kiện Grab mới đang chỉ dừng lại ở quá trình tham gia tố tụng, các bên đưa ra yêu cầu và có sự phản biện lại, cơ quan giám định có kết luận và đề nghị của viện kiểm sát. Theo đánh giá của LS. Nguyễn Chiến, với tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp, tòa án thực sự là biểu tượng của công lý. Tòa án sẽ là người đứng giữa, là trọng tài để phân xử yêu cầu của các bên, đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự, đồng thời đảm bảo tính tuân thủ pháp luật nghiêm, giúp lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, không có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, LS. Chiến lưu ý, có một vấn đề mới đặt ra là: Một bên đưa ra tài liệu chứng cứ cung cấp cho tòa án để đánh giá, xem xét nhưng lại đặt ra yêu cầu là không cung cấp cho bên kia bởi nó liên quan đến bí mật kinh doanh. Chẳng hạn như bên Grab nói rằng không được cho Vinasun xem, thì hai bên đều có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ để tòa án đánh giá xem xét một cách toàn diện, chứ không có nghĩa các tài liệu cung cấp chứng cứ của bên này nhưng bên kia lại không được tiếp cận, bởi quyền của bên này chính là nghĩa vụ của bên kia, và ngược lại. Bên này đưa ra yêu cầu thì bên kia cũng phải biết để phản bác lại yêu cầu. "Đó là quy định chung của pháp luật tố tụng", LS. Nguyễn Chiến khẳng định.

Trong phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab) chiều 23/10, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Theo đơn khởi kiện, Vinasun kiện Grab Taxi đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun.

Vinasun cho rằng Grab đã vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun nên doanh nghiệp này đã khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.

Trong khi đó, phía Grab khẳng định toàn bộ hoạt động của Grab tại Việt Nam đều tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải./.