Sáng 17/10, Tòa án nhân dân TPHCM tiến hành xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab.

8h30 phiên toà mới diễn ra, nhưng trước đó hàng trăm tài xế taxi Vinasun đã có mặt tại khuôn viên của TAND TPHCM để theo dõi phiên xử.

vov_h1_ecuo.jpg
Đông đảo tài xế Vinasun tập trung tại tòa sáng 17/10
Đại diện Grab tiếp tục đề nghị hoãn phiên toà vì vắng mặt đơn vị giám định là Công ty Cửu Long. Tuy nhiên sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục làm việc.

Phía nguyên đơn là Công ty Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm khởi kiện, cho rằng, Grab đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun nên doanh nghiệp này yêu cầu Grab phải bồi thường số tiền 41,2 tỉ đồng. 

Trong khi đó, phía Grab khẳng định toàn bộ hoạt động của Grab tại Việt Nam đều tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải.

Việc Grab có vi phạm Quyết định 24 hay không là thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ GTVT. Grab là công ty cung cấp công nghệ, hỗ trợ kết nối các công ty vận tải. Thực tế Vinasun cũng có đăng kí dịch vụ như Grab và điều đó thể hiện sự công bằng trong cạnh tranh. Nếu Grab vi phạm Quyết định 24 thì đã bị cơ quan chức năng xử lí.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng, giám định của công ty Cửu Long còn nhiều điểm bất cập trong phương pháp nên cần phải đối chất. 

Hội đồng xét xử.
Khẳng định hoàn toàn tuân thủ Quyết định 24, ông Jerry Lim cho biết, Grab đã tạo ra việc làm cho 170.000 người lao động, thu nhập cao gấp đôi bình quân đầu người. Theo luật sư của Grab, việc giảm doanh thu của Vinasun có nhiều nguyên nhân và đề nghị hoãn phiên toà và có thể mời một số đơn vị hoạt động kinh doanh tương tự Grab tới tòa để làm chứng.

Trong buổi sáng, chủ tọa phiên tòa chủ yếu đề nghị các bên làm rõ vấn đề thẩm quyền giải quyết vụ án là của TAND TPHCM hay của các cơ quan khác. Về nội dung này, phía nguyên đơn khẳng định thẩm quyền giải quyết là của Tòa án nhân dân TPHCM, bởi ban đầu, nguyên đơn kiện cả Grab và Uber (pháp nhân nước ngoài).

Đây không phải là vụ kiện cạnh tranh mà Vinasun kiện Grab có hành vi kinh doanh trái pháp luật, lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng để vi vi phạm pháp luật.

Phía bị đơn bác bỏ các ý kiến trên và đề nghị xem xét phạm vi của vụ án bởi trong đơn khởi kiện không nhắc tới việc Grab có vi phạm Quyết định 24 không.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra lúc 14h chiều nay./.