Chiều nay (17/10), phiên tòa xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab tiếp tục làm việc với phần hỏi đáp giữa nguyên đơn với bị đơn.
|
Phiên tòa chiều ngày 17/10 |
Theo Hội đồng xét xử, việc hỏi đáp nhằm làm rõ nội dung nguyên đơn cho rằng, bị đơn vi phạm Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Quyết định 24). Từ đó xác định đó có phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho phía nguyên đơn hay không.
Luật sư của nguyên đơn đã đặt một số câu hỏi liên quan đến việc thực hiện Quyết định 24 như có phải Grab “điều xe” (theo bị đơn thì đó là “đề xuất”) khi khách có nhu cầu không? Tại sao Grab là đơn vị kinh doanh phần mềm lại thu cước vận chuyển, xuất hóa đơn vận chuyển? Grab kinh doanh phần mềm sao lại có khuyến mãi cước?
Ngoài 5 địa phương cho phép thí điểm thì Grab có triển khai ở các địa phương khác hay không? Bên cạnh đó còn có một số vấn đề khác như việc quản lý dữ liệu khách hàng, thông tin bảo mật khách hàng, việc xử phạt, mua bảo hiểm cho tài xế.v.v... |
Ông Trương Đình Quý và các cộng sự |
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun khẳng định: Grab điều hành trọn vẹn quy trình của một đơn vị kinh doanh vận tải taxi như thu tiền, khuyến mãi, định mức chiết khấu, quy định thưởng phạt… Phía Vinasun có chứng cứ và vi bằng về việc này.
Ông Quý khẳng định Grab đã trực tiếp kinh doanh như taxi nhưng lại thoát khỏi 13 điều kiện kinh doanh taxi, qua đó đã chiêu mộ lượng tài xế khổng lồ, do đó Grab đã vi phạm Quyết định 24, Nghị định 86; các hợp tác xã chỉ là bình phong. Thiệt hại của Vinasun diễn biến theo số lượng tăng đầu xe, các chương trình khuyến mãi của Grab.
|
Ông Jerry Lim (bên trái) và đại diện ủy quyền của Grap |
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam và các đại diện được ủy quyền, luật sư của bị đơn đã thay nhau trả lời các câu hỏi của nguyên đơn. Trong đó, Grab khẳng định mình chỉ là đơn vị kinh doanh phần mềm, chỉ đưa ra “đề xuất” cho tài xế ở gần khách hàng để khách hàng chọn lựa.
Theo bị đơn, Quyết định 24 quy định Grab có quyền được phối hợp với các đơn vị vận tải để đưa ra mức cước cho cuốc xe, hỗ trợ, thay mặt đơn vị vận tải trong nhận khoản thanh toán, xuất hóa đơn… Đại diện Grab cũng khẳng định, ngoài 5 thành phố lớn cho thí điểm thì tại một số địa phương khác, Grab cung cấp dịch vụ hỗ trợ như kết nối các công ty taxi với khách hàng. Còn việc mua bảo hiểm tai nạn cho tài xế và khách hàng, phía Grab cho rằng đây không phải là điều bắt buộc nhưng phía Grab tự bỏ tiền ra nhằm mang lại sự an toàn cho hành khách và tài xế…
Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng mai (18/10) với phần tranh luận giữa hai bên./.