Anh Trần Văn Tám (Lương Sơn, Hoà Bình) vốn là một công nhân cơ khí, vợ là giáo viên mầm non. Hai vợ chồng anh sau hơn 10 năm tích lũy mới mua được một căn hộ chung cư hơn 2 tỷ đồng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Với tổng thu nhập chỉ 15 - 20 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh gần như chỉ đủ chi tiêu gia đình và nuôi 2 con ăn học. Vì vậy, tiền tích luỹ và tiết kiệm hàng tháng không đáng bao nhiêu. Năm 2015, vợ chồng anh Tám quyết định thay đổi để làm giàu.
Tìm hiểu trên địa bàn xã Nhuận Trạch (Lương Sơn, Hòa Bình) có một dự án khu du lịch sinh thái sắp được triển khai xây dựng, đất trồng cây lâu năm tại đây được nhiều người tìm mua, anh Tám bàn bạc với gia đình và quyết định bán căn chung cư được 2,5 tỷ đồng, vay mượn thêm người thân hơn 1 tỷ đồng làm vốn lên xã Nhuận Trạch mua đất đầu tư.
Sau khi gom được hơn chục ha đất trồng cây lâu năm của bà con, anh Sơn cho quây rào bằng dây thép gai khu đất mình đã mua. Sau khi mua được 3 tháng, có nhiều người hỏi mua lại, bán đi anh có thể lãi vài trăm triệu đồng. Nhưng nghĩ giá đất ngày càng có xu hướng tăng nên anh tiếc nuối giữ lại.
Nhưng suốt một thời gian dài, dự án nghỉ dưỡng này vẫn bất động, giá đất bắt đầu chững lại, anh Tám sốt ruột gọi người để bán. Tuy nhiên, việc tìm người mua là không hề dễ dàng, nhiều người đến xem đất rồi lại đi, hoặc trả thấp hơn giá anh mua.
“Khi ấy tôi mới biết dự án sinh thái này là một trong những dự án "ma". Họ xây dựng trái pháp luật và đang bị cơ quan chức năng xử lý. Bây giờ khu đất của tôi bán ra là điều vô cùng khó khăn”, anh Tám than thở.
Số tiền hơn 2 tỷ đồng chôn vào đất nhiều năm nay chưa lấy lại được, hai vợ chồng anh Tám phải đi ở thuê và cố gắng làm thêm để chi trả tiền nhà.
“Tôi chỉ là nhà đầu tư tay ngang, nên lúc mọi người có thông tin về dự án đã kịp chạy bán hết đất, tôi vẫn không biết gì, vẫn ôm hy vọng giá lên nữa. Đến giờ thì đất bỏ không, còn người thì đi ở trọ”, anh Tám nói.
Còn chị Lê Tuyết Mai (Hà Đông, Hà Nội) cũng bán nhà để đầu tư đất nông nghiệp và đang bị mắc kẹt. Năm 2020, chị Mai nghe đồn một khu đất ruộng ở xã Thanh Cao có khả năng sẽ được chuyển thành đất giãn dân nên vợ chồng chị đã bán căn chung cư tại Linh Đàm (Hoàng Mai) với giá 900 triệu đồng để mua 4 sào ruộng với giá 800 triệu đồng.
Mua xong, hai vợ chồng chị Mai thấp thỏm đợi ngày đất được chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy gì. Mới đây, nhiều người lại kháo nhau thông tin chuyển đất ruộng thành đất giãn dân chỉ là tin đồn thì vợ chồng chị Mai như ngồi trên đống lửa.
Vợ chồng chị đều làm công nhân may nên thu nhập hàng tháng, chắt chịu lắm mới mua đủ chi tiêu và trả tiền thuê nhà. Vì vậy, số tiền 800 triệu đồng kia là tất cả tài sản mà hai vợ chồng chị có.
Các chuyên gia bất động sản cho hay, theo quy định của nhiều địa phương, việc chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp sang đất thổ cư phải nằm trong kế hoạch phát triển chung của tỉnh đó. Và sẽ rất khó cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng đơn lẻ.
Như vậy, nếu đã đầu tư vào đất nông nghiệp như không thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư thì rủi ro về thanh khoản sẽ là rất lớn cho các nhà đầu tư. Điều này đặc biệt rủi ro với những nhà đầu tư vay nợ ngân hàng để mua đất mong làm giàu.
Bên cạnh đó, đất nông nghiệp thường có diện tích lớn nên giá khá cao, chỉ phù hợp với nhà đầu tư dày vốn hoặc doanh nghiệp mua rồi lên thổ cư, phân lô bán nền.
Nếu chỉ vì đi theo tâm lý đám đông mà vay nợ hay buôn đất phần lớn bằng tiền vay ngân hàng thì khi chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng đất, hoặc gặp lúc thị trường chững lại vì dịch bệnh sẽ khó sang nhượng, nhà đầu tư dễ lâm vào cảnh vỡ nợ./.