Sáng 22/10, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử vụ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) và Công ty Trách nhiệm hạn Grab Việt Nam (gọi tắt là Grab).

vov_vinasun_vxtu.jpg
Hình ảnh phiên tòa sáng 22/10.
Trong phần tranh tụng, đại diện Vinasun tiếp tục giữ nguyên quan điểm cho rằng, Grab đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dẫn ra nhiều luận điểm chứng minh cho hành vi vi phạm của Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun.

Phía Vinasun tố Grab cũng như Uber trước kia nói về cách mạng công nghiệp 4.0, học thuyết kinh tế chia sẻ, lợi dụng Quyết định 24 để buôn bán với nhau, làm méo mó thị trường.

Theo Vinasun, nếu có dịch vụ giá rẻ thì ủng hộ nhưng tất cả phải tôn trọng pháp luật. Trong quá trình phát triển, Vinasun vẫn phát triển với các ứng dụng đặt xe, ứng dụng phát triển phần mềm để quản lý nội bộ. Thiệt hại của Vinasun cũng được luật sư bào chữa chỉ ra như về giá trị thương hiệu, giá trị cổ phiếu,...Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm, nội dung khởi kiện và yêu cầu Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng.

Phía Grab hoàn toàn phản đối những luận điểm phía Vinasun nêu ra để quy kết Grab vi phạm pháp luật và gây thiệt hại. Đại diện Grab cũng đề nghị Vinasun có cách nhìn khách quan hơn về kinh tế chia sẻ và sự cần thiết trong thời điểm hiện nay. Grab đặt ra câu hỏi cho Vinasun rằng trong kỷ nguyên 4.0, phía Vinasun đã làm được những gì? Đã tận dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh phục vụ khách hàng chưa? Grab cho rằng thay vì nhìn bên ngoài thì Vinasun nhìn lại bản thân mình để có thể thay đổi, đóng góp nhiều lợi ích cho khách hàng, cho cuộc cách mạng 4.0. Grab còn cho rằng loại hình Vcar của Vinasun App vi phạm Quyết định 24 và Nghị định 86.

Sau phần tranh luận, Hội đồng xét xử đã xét hỏi cả nguyên đơn và bị đơn. Về phía nguyên đơn Vinasun, Chủ tọa phiên tòa quan tâm đến cơ sở nào để Vinasun khởi kiện, về khoản đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng; cách đóng thuế trong hoạt động vận tải của Vinasun để so sánh với Grab, cách Công ty quản lý tài xế…Đặc biệt, vấn đề giá cước vận chuyển, thủ tục tăng giảm giá cước taxi được chủ tọa quan tâm đặt nhiều câu hỏi

Về phía bị đơn Grab, Hội đồng xét xử có nhiều câu hỏi về phương thức hoạt động, loại hình đầu tư ở Việt Nam, về cách Grab vận hành ở Việt Nam khi mà liên tục lỗ trong các năm qua. Chủ tòa phiên tòa quan tâm đến phần chiết khấu cho tài xế, mức giá cước vận chuyển, thay đổi giá cước trong ngày căn cứ vào đâu? Đặc biệt chủ tọa quan tâm đến việc ai quản lý lái xe, Grab có quyền gì với lái xe trong thưởng, phạt…

Về vấn đề này, phía Grab vẫn khẳng định mình là công ty cung cấp dịch vụ công nghệ và có tham gia cùng với các hợp tác xã để “hỗ trợ quản lý trong chừng mực”.

Theo phía Grab điều này phù hợp với tinh thần của Quyết định 24, giúp các hợp tác xã tiết kiệm được chi phí.

Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra trong chiều nay./.