Những công trình, hạng mục sai phạm, xâm phạm tới di tích vẫn tiếp tục tồn tại thách thức pháp luật. Sự thật này khiến dư luận hoài nghi và cho rằng các cơ quan chức năng mới chỉ quyết liệt trên văn bản mà chưa quyết liệt xử lý sai phạm trên thực tế.

bo_da_1_nhvd.jpg
Di tích Quốc gia chùa Bổ Đà.

Đầu tư “ăn theo” tâm linh

Những năm trở lại đây nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, xây mới nhiều hạng mục, sau đó bán vé dịch vụ tham quan du lịch. Đơn cử doanh nghiệp Xuân Trường thu 20.000 đồng/vé  sau khi đầu tư nâng cấp một số hạng mục cảnh quan tại khu di tích chùa - động Am Tiên trong quần thể di tích danh thắng Tràng An. Điểm tham quan “Tràng An cổ” trên núi Huyền Vũ (hay còn gọi là núi Cái Hạ) cũng được bán vé. Với số lượng hàng vạn du khách mỗi ngày thì doanh thu từ việc đầu tư ăn theo di tích sẽ là con số không nhỏ. Nhiều người cho rằng, lợi ích kinh tế quá lớn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc vi phạm pháp luật, xây dựng trùng tu không phép tại các di tích, di sản văn hóa; hoặc “bịa” thêm những câu chuyện huyền bí, linh thiêng để PR, quảng cáo cho các điểm đến du lịch tâm linh, nhằm mục đích tăng doanh thu.

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, chùa gắn liền với đời sống cư dân bản địa, thuần phong mỹ tục của dân làng. Người dân bản địa hằng ngày tự do chiêm bái, lễ phật và cúng tiền giọt dầu, tiền trùng tu cũng được thực hiện theo văn hoá “Phật tại tâm”.

Ngày nay, nhiều hình thái kinh doanh gắn với du lịch tâm linh nở rộ khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, bởi chiêm bái Phật mà cũng phải mua vé tham quan. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, phục vụ nhu cầu du khách đi vãn cảnh chùa là chuyện bình thường. Nhưng việc để doanh nghiệp đầu tư xây mới, xây hạ tầng, dịch vụ, hoặc xây dựng khu du lịch bao trùm không gian chùa rồi thu phí cả những người đi lễ, vãn cảnh chùa là việc làm phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục của người Việt.

Lợi lớn, phạt nhẹ, “nhờn” văn bản

Ngay sau khi phát hiện Công ty cổ phẩn du lịch Tràng An xây dựng trái phép bậc thang lên núi Huyền Vũ, UBND xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã có văn bản yêu cầu dừng thi công. Và sau đó là hơn 20 văn bản của các cơ quan quản lý từ cấp xã đến cấp tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần du lịch Tràng An dừng thi công. Nhưng không hiểu sao hơn 1.000 bậc thang lên núi Huyền Vũ vẫn được hoàn thành và được chủ đầu tư đưa vào sử dụng.

Hay như vụ việc ở chùa Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Dù tháng 11/2017, Sở VH-TT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu di dời những tượng Phật được đặt trái phép trong khuôn viên di tích, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng cho di tích Quốc gia, nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo TNVN thì tất cả những vi phạm nêu trên vẫn được “bảo tồn nguyên trạng”. Khi được hỏi về những chậm trễ trong việc thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, khắc phục hậu quả vi phạm tại chùa Khúc Thủy, nhà chùa cho biết: “Chùa không có kinh phí để di dời những hạng mục vi phạm”. Ông Đặng Cát Lượng, người dân thôn Khúc Thủy cho hay, chính quyền thông báo với người dân, cũng với lý do trên mà đến nay chưa có biện pháp xử lý vi phạm tại chùa Khúc Thủy.

Cơ quan quản lý Nhà nước đã làm đúng chức trách khi có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm, khắc phục hậu quả. Thế nhưng, những sự việc đã diễn ra trong thời gian qua lại cho thấy một vấn đề: Những công trình, hạng mục sai phạm vẫn tiếp tục tồn tại thách thức pháp luật. Sự thật này khiến dư luận hoài nghi và cho rằng các cơ quan chức năng mới chỉ quyết liệt trên văn bản mà chưa quyết liệt khi xử lý sai phạm. Liệu có xảy ra tình trạng đánh trống bỏ dùi? Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi với mức xử phạt vi phạm rất “tình cảm” rồi “cho tồn tại” thì liệu có đủ sức răn đe? Trong khi đó, hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ tâm linh cho doanh thu khủng khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận đánh đổi, ngang nhiên xây dựng trái phép, làm không theo quy hoạch, kiến trúc đã được duyệt, xâm phạm di tích.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, chính hình thức “phạt cho tồn tại” như hiện nay là nguyên nhân dẫn đến việc “nhờn luật”, bất chấp các văn bản quản lý để vi phạm. Cùng với đó là sự thiếu giám sát, thiếu quyết liệt của các cơ quan quản lý khiến cho pháp luật chỉ tồn tại trên văn bản mà không đi vào thực tiễn cuộc sống. “Như câu chuyện Công ty cổ phần khu du lịch Champarama đã đổ hơn 17.000m2 đất, đá lấn biển vịnh Nha Trang trái phép để làm dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Rerort & Spa mà chỉ phạt hành chính 100 triệu đồng rồi cho tồn tại thì chỉ là phạt danh nghĩa, càng làm cho doanh nghiệp nhờn luật”, ông Dương Trung Quốc nêu ví dụ.

Phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Vì đâu những di tích, di sản văn hóa bị xâm hại trắng trợn trong thời gian dài mà không bị xử lý triệt để? Vì sao chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” lại trở nên phổ biến như vậy? Xử lý hậu quả theo kiểu “phạt cho tồn tại” thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ cấp bộ tới địa phương đến đâu khi đã “mắt nhắm mắt mở” để “con voi chui lọt lỗ kim”? Đây là những câu hỏi đang được dư luận quan tâm, bởi nếu cứ quản lý kiểu “phạt ngọn” mà không xử lý được gốc rễ vấn đề thì chắc chắn những “con đường vi phạm” như ở khu du lịch “Tràng An cổ” trong khu di tích danh thắng Tràng An sẽ còn dài ra mãi.

Cần phải khẳng định rằng, việc nhiều di tích bị xâm hại, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc xử lý sai phạm chỉ quyết liệt trên văn bản, giấy tờ mà thiếu sự quyết liệt trên thực tế. Đã đến lúc phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm, gây tổn hại đến những di tích là vốn quý của Quốc gia.

Để bảo vệ di tích, di sản văn hóa, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt thực thi pháp luật để xử lý sai phạm. Xin đừng đánh trống bỏ dùi!./.