Việc ngang nhiên vi phạm Luật Di sản văn hóa, tự ý trùng tu xây dựng mới hàng loạt công trình trong phạm vi “được bảo vệ đặc biệt” của Di sản Quốc gia, Di sản Quốc gia Hạng đặc biệt, thậm chí là Di sản Thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận diễn ra liên tiếp trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận.
Loạn trùng tu
Tháng 11/2017, dư luận xôn xao vụ việc di tích Quốc gia nghìn năm tuổi, - chùa Khúc Thủy, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội bị xâm hại bởi nhiều hạng mục công trình “lạ”, không phù hợp với vẻ cổ kính và kiến trúc truyền thống mang đậm dấu ấn tôn giáo vùng đồng bằng Bắc bộ. Chỉ đến khi báo chí phát hiện, lên tiếng thì vụ việc mới được các cơ quan quản lý quan tâm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc bảo vệ di tích vẫn chỉ là “đang khắc phục hậu quả”.
Cây cầu dài 1.115 m với 2.234 bậc lên đỉnh núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi của khu di sản Tràng An (Ninh Bình) hoàn thành xây dựng mà không được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Ảnh: Zing. |
Những ngày đầu năm 2018, người dân cả nước một lần nữa xôn xao về vụ việc vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Thiên nhiên thế giới - thuộc địa bàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) được bảo vệ nghiêm ngặt song vẫn bị Công ty cổ phần du lịch Tràng An (Ninh Bình) xâm hại khi xây dựng trái phép hàng nghìn bậc thang lên núi Cái Hạ (còn gọi là núi Huyền Vũ). Điều đáng nói, dù các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu công ty này dừng thi công; Bộ VH-TT&DL cũng đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu tháo dỡ công trình, nhưng cho đến nay, công trình vi phạm vẫn đang uốn lượn trên sườn núi Cái Hạ.
Khi vụ việc xâm hại danh thắng Tràng An còn chưa bớt nóng thì báo chí lại phát hiện những sai phạm trong việc xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, một Di tích Quốc gia Hạng đặc biệt, khiến dư luận bức xúc. Theo kết luận của Cục Di sản, việc xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà đã được cấp phép của Bộ VH-TT-&DL, được thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, kiến trúc Tam quan đang triển khai thi công không hoàn toàn đúng với hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà đã được Bộ VH-TT&DL thẩm định. Cụ thể, thiết kế được phê duyệt với kiến trúc 3 gian 2 trái đã được xây thành 5 gian 2 trái.
Theo quan sát của phóng viên, không chỉ có Tam quan mà tại chùa còn thêm hạng mục “cổng” nhỏ hơn, có kiến trúc 3 gian 2 trái, được xây tách rời ở phía trước Tam quan mới. Chưa kể đến việc đập tường rào, trổ 2 cổng làm lối đi từ gian Tam bảo ra phía Tam quan cũng hoàn toàn không có trong hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đã được phê duyệt.
Việc trùng tu, tôn tạo hay xây mới công trình, xâm hại đến Di tích Quốc gia đã không còn là cá biệt với những vụ việc như: Trùng tu Chùa Trăm Gian năm 2012; Trùng tu Lăng Ngô Quyền, xã Đường Lâm năm 2014; Công trình xây dựng chùa không phép tại chùa Hương năm 2015; Trùng tu Bia Quốc học Huế năm 2017; Tự ý xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam cuối năm 2017… Và dường như, ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại di tích, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, trắng trợn hơn. Việc xử lý, khắc phục hậu quả theo kiểu “sự đã rồi” càng khiến dư luận thêm phần bất bình.
Chùa Bổ Đà "mọc" thêm cổng tam quan. |
Xây mới, biến không thành có
Trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà, UBND tỉnh Bắc Giang đã trích dẫn nội dung, việc xây dựng Tam quan đã được các vị sư tổ chuẩn bị từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, song do điều kiện khách quan như thiên tai, chiến tranh nên chưa thực hiện. Phần gỗ trước đây dự kiến để tu sửa chùa Bổ Đà được chuyển để dựng tại chùa ở Bắc Ninh và Hải Dương.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: “Từ những vấn đề trên, có thể nhận thấy việc cho phép xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà dựa trên căn cứ pháp lý, phù hợp về chuyên môn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”. Liệu nhận định này của người đại diện Cục Di sản là phù hợp? Thực tế, theo hồ sơ khi công nhận di tích, chùa Bổ Đà không có Tam quan. Hiện cũng chưa có một khai quật khảo cổ nào chứng tỏ chùa này từng có Tam quan, cũng không hề có văn bản, tư liệu nào ghi chép cụ thể việc chùa Bổ Đà đã từng có Tam quan. Chỉ biết rằng, kiến trúc độc đáo và khác biệt của chùa Bổ Đà so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” không có Tam quan, tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng chốn thiền môn.
Không giống như việc xây Tam quan chùa Bổ Đà, việc xây dựng công trình mang tên Làng Nương (một hạng mục quan trọng trong quần thể dự án Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử do Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm đầu tư) và đưa vào hoạt động lại dựa trên một câu chuyện “bịa”.
Từ những tình tiết lưu truyền dân gian rằng: Khi Trần Nhân Tông xuất gia đến Yên Tử tu hành, một trăm cung phi cũng lặn lội tìm đường đến Yên Tử, nhưng Trần Nhân Tông không nhận. Để tỏ lòng trung với vua, một trăm cung phi trầm mình xuống suối Hồ Khê, dưới chân núi Yên Tử. Một số cung phi bị chết đuối. Để giải oan cho linh hồn họ, Trần Nhân Tông cho dựng chùa thờ cúng, chùa ấy gọi là chùa Giải Oan. Suối Hồ Khê nơi các cung phi trầm mình, cũng từ đó mang tên Giải Oan. Số cung phi cứu được thoát chết, vua cho tập trung dưới chân núi, làm nhà cho ở, cấp ruộng đất cho cày cấy, cho lấy chồng sinh con, lập thành Làng Nương, tức xã Thượng Yên Công ngày nay.
Bộ Văn hoá yêu cầu khẩn trương phá dỡ công trình trái phép tại Tràng An
Trên thực tế và thần tích, hương ước lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm của xã Thượng Yên Công và các xã xung quanh đều không có địa danh nào từng mang tên Làng Nương. Xem xét trong chùa Giải Oan cũng không có ban thờ cung nữ trầm mình. Thực tế, suối Giải Oan chỉ xuất hiện tại các trung tâm Phật giáo lớn, đó là Sa môn của các tăng đoàn với ý nghĩa là nơi hóa giải tất cả các tiền oan nghiệp chướng, quyết tâm chấm dứt mọi hệ lụy trần thế để vào cõi tịnh tu./.