Với 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật khảo cổ của nhiều thời kì nằm chồng xếp lên nhau, cuộc trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội" minh chứng Tòa nhà Quốc hội nằm ở vị trí Tây Nam của Cấm Thành Thăng Long xưa.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - đơn vị thực hiện trưng bày khảo cổ học này.

PV:Thưa PGS.TS Bùi Minh Trí, ông có thể chia sẻ ý tưởng xây dựng khu trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội"?

PGS.TS Bùi Minh Trí: Khu trưng bày được lồng ghép, xen cài những di tích, di vật làm cho mọi người cảm nhận sâu hơn về những phát hiện khảo cổ học. Chúng ta biết khảo cổ học là những mảnh vỡ còn sót lại, rất khô cứng nên công chúng không thể hình dung một cách rõ ràng. Việc dùng ngôn ngữ nào đó để diễn đạt là cả thách thức, trăn trở. Từ đó chúng tôi cũng nuôi dưỡng ý tưởng làm sao tái hiện được di tích này sống động nhất, dễ hiểu nhất, đem lại cho công chúng một cảm nhận sâu sắc nhất và hình dung được những giá trị phát hiện khảo cổ học, hiểu được quy mô của các công trình kiến trúc cũng như kĩ thuật xây dựng, cùng các loại vật liệu tìm thấy tại di tích.

vov_dc_1__dhoh.jpg
Hiện vật khảo cổ thời Lý-Trần được trưng bày

Công chúng có thể hình dung được qua các bản vẽ, các hình ảnh bằng media cũng như đọc thuyết minh. Các phương tiện này được hòa trộn lại để làm sao đưa đến nhiều thông điệp nhất cho mọi người, làm cho họ cảm thấy sống dậy với quá khứ, đặc biệt với các cung điện thời Lý ở Việt Nam, tìm ra được bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam.

PV: Bên cạnh những hiện vật với kĩ thuật hiện đại, trưng bày khảo cổ học này cũng tái hiện một phần kiến trúc cung điện thời Lý-Trần sau nhiều năm nghiên cứu. Ông có thể nói rõ hơn về phần kiến trúc này?

PGS.TS Bùi Minh Trí: Đến ngày nay chúng ta không có cơ may cảm nhận được hình thái kiến trúc của thời kì Lý-Trần, Lê từ kiến trúc dân gian đến kiến trúc tôn giáo, kiến trúc hoàng cung lại càng không bao giờ có cơ hội được nhìn ngắm. Để nhận diện kiến trúc Hoàng cung Thăng Long là một bài toán vô cùng khó, mặc dù khảo cổ học đã tìm thấy các dấu tích nền móng cung điện và minh chứng một cách rõ ràng về quy mô rộng lớn của các công trình kiến trúc ở đây nhưng không có đủ cơ sở về bộ khung cũng như hình thái bộ mái của các công trình kiến trúc. Thành tựu nổi bất nhất là các nhà khoa học đã diễn giải hệ thống cột gỗ trong một công trình kiến trúc cũng như hệ thống tường bao, hình thái bộ mái, trưng bày qua các bản vẽ được tái hiện trên kết quả nghiên cứu về các loại hình vật liệu kiến trúc tìm thấy ở đây, rồi kết quả nghiên cứu so sánh với các kiến trúc cung điện ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Đó là những hình ảnh đầu tiên để chúng ta cảm nhận sâu hơn về kiến trúc cung điện nhà Lý. Chúng ta có thể hoàn toàn tự hào rằng nhà Lý đã sáng tạo nên một nền kiến trúc mang bản chất rất riêng biệt, với trình độ xây dựng rất tiên tiến và đặc sắc. Điều này thể hiện rất rõ qua các loại hình vật liệu trang trí trên bộ mái kiến trúc, kĩ thuật xây dựng nền móng các công trình kiến trúc.

Khu trưng bày đang được gấp rút hoàn thiện để giới thiệu đến công chúng vào ngày 19/5 tới

PV: Việc hoàn thiện trưng bày cũng cho thấy chúng ta đang giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn với xây dựng, phát triển. Là một người làm khoa học, ông có hài lòng với điều này?

PGS.TS Bùi Minh Trí:  Đương nhiên tôi hài lòng với dự án trưng bày những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt với khu di sản Hoàng Thành Thăng Long. Cuộc trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội đã tiếp sức cho giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, minh chứng Tòa nhà Quốc hội là điểm nhấn quan trọng trong khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và khu Ba Đình lịch sử, thể hiện sự tiếp nối truyền thống, trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

PV: Xin cảm ơn ông!/.