Mấy ngày qua, câu chuyện một gia đình ở Hà Nội đăng tin tìm con khiến tất cả phụ huynh sốc nặng. Cô bé 15 tuổi sau khi biết mình không đủ điểm vào lớp 10 theo nguyện vọng mong muốn đã bỏ ăn rồi viết thư để lại trước khi bỏ nhà đi. Khi đi, em không mang theo điện thoại, tiền bạc, giấy tờ tùy thân và khóa tất cả tài khoản trên mạng xã hội. Vì thế, bố mẹ em không thể liên lạc được với con, tìm kiếm con khắp nơi nhưng không thấy. Họ đành đăng tin lên mạng xã hội với hy vọng có người nào nhìn thấy con mình. Thật may là cuối cùng gia đình cũng đã tìm được con.
Vâng, câu chuyện này kết thúc có hậu. Nhưng không phải trường hợp nào cũng được như vậy. Nhiều đứa trẻ thất vọng vì kết quả điểm thi không được như mong muốn đã nghĩ quẩn, đã lựa chọn kết thúc nỗi buồn, tủi, tuyệt vọng bằng chính mạng sống của mình. Để lại cho cha mẹ và người thân nỗi đau không thể nguôi ngoai.
Vẫn biết, có thi là có đỗ - trượt; có cạnh tranh là có được – mất; thậm chí đơn giản như trò chơi còn có thắng – thua. Khỏi phải nói nếu thi đỗ, đứa trẻ sẽ vui mừng đến thế nào, gia đình sẽ tự hào về con em mình ra sao. Nhưng cảm giác tủi hổ, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng là điều không thể tránh khỏi khi không thể vượt qua kỳ thi.
Không biết cô bé bỏ nhà đi trong câu chuyện kia và những đứa trẻ đã lựa chọn kết thúc cuộc đời có gặp áp lực gì từ cha mẹ sau khi kết quả thi của các em không được như mong muốn hay không? Nhưng trên thực tế, có không ít ông bố, bà mẹ vẫn còn hám thành tích và không thể chấp nhận việc con mình “thất bại”.
Câu chuyện người mẹ bắt con gái 15 tuổi quỳ ngay tại sân một trường dân lập ở Hà Nội dù đã qua khá lâu nhưng vẫn khiến nhiều bậc làm cha, làm mẹ ám ảnh mãi. Bà mẹ này gào lên giữa trưa nắng: "Để yên cho tôi dạy con! 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi!". Cô con gái sau đó thông cảm và lên tiếng bảo vệ mẹ mình. Rồi chuyện một ông bố “nổi điên”, tự đập chiếc điện thoại đắt tiền của mình khi tra điểm thi của cậu ấm. Một bà mẹ khác khóc nức nở khi gọi điện thoại báo điểm thi không được như mong muốn của con mình cho người nhà… Rất nhiều câu chuyện buồn và đáng phải suy ngẫm với những nỗi thất vọng của các bậc cha mẹ đã quá kỳ vọng vào con. Khi kết quả không được như ý, sang chấn tâm lý lớn khiến các em rơi vào trạng thái tiêu cực: lo lắng, thất vọng, xấu hổ, tự trách; và suy nghĩ sai lầm về bản thân: mình là kẻ thất bại, mình thật vô dụng, mình vô ơn vì đã phụ công cha mẹ… rồi chẳng thiết gì ăn uống, nằm khóc cả ngày… Cha mẹ thì cáu giận, mắng chửi con, rồi quay ra cãi vã, đổ lỗi lẫn nhau… Không khí trong nhà lúc nào cũng ngột ngạt và căng thẳng.
Thật khó với một đứa trẻ 15 tuổi phải học cách vượt qua cú sốc đầu đời trong thi cử, khi mà chúng chưa có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm trong cuộc sống. Với người lớn đôi khi đã là quá khó khăn, huống chi với lũ trẻ? Nhưng vẫn có không ít bậc cha mẹ còn cư xử thiếu hiểu biết: chì chiết, mắng nhiếc, xúc phạm, thể hiện sự thất vọng tràn trề vì con mình không bằng “con nhà người ta”. Không đỗ trường chuyên, không vào được trường top đầu là “chấm hết”, là “đáng xấu hổ”, "đồ bỏ đi"... Nhiều phụ huynh không che giấu sự thất vọng, chán nản trước mặt con mình. Và có không ít cha mẹ vì mải mê với mối lo cơm - áo - gạo - tiền mà không dành tâm trí, thời gian để sát cánh cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Để những đứa trẻ 15 tuổi phải tự đối diện, tự “gặm nhấm” nỗi buồn và loay hoay tự vượt qua.
Việc học hành là của mỗi người. Và kết quả thi cử chưa được như mong muốn của con ngày hôm nay, dù có muốn thì cha mẹ cũng không thể nhận thay được. Nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể cùng “gánh”, cùng đỡ, giúp con vượt qua giai đoạn này. Con cái chúng ta đã làm hết sức và chúng cần được cảm thông, chia sẻ.
Nhà báo Trần Thu Hà (tác giả cuốn sách Buông Tay Để Con Bay) chia sẻ với các phụ huynh có con vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua: "Chúc mừng các mẹ có con thi đậu! Và cũng chúc mừng các mẹ có con thi trượt!". Trong bài viết, chị tâm sự: "Cái gì đã diễn ra, có nghĩa là nó đã xong... Bộ Giáo dục Anh thì từ nhiều năm trước đã yêu cầu không gọi là “thi trượt”, mà phải gọi là “thành công bị trì hoãn”. Một thay đổi nhỏ mà vô cùng nhân văn... Vì các con sinh ra trên đời này là để sống. Không phải chỉ để thi! Các kỳ thi ở trong trường chỉ là một mảng rất rất rất nhỏ. Ngoài kia, mỗi ngày là vài bài thi. Những bài thi với chính bản thân mình đó mới là những bài thi khó khăn nhất, khốc liệt nhất".
Cha mẹ hãy đồng hành và sát cánh bên con hơn nữa, luôn là chỗ dựa tinh thần để các con vượt qua trở ngại đầu đời, vững bước và lạc quan hơn. Ở bên con khi chúng vấp ngã, chúng thất vọng - điều đó quan trọng và cần thiết gấp vạn lần lúc ở bên con khi thành công. Cha mẹ cần bản lĩnh và bằng sự hiểu biết của mình để cùng con vượt... sốc!./.