“Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới – nhìn từ Hoàng thành Thăng Long” là chủ đề Hội thảo khoa học do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào đúng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập UNESCO và 5 năm Hoàng thành Thăng Long được vinh danh Di sản văn hóa thế giới.

Hội thảo nhằm khẳng định những thành tựu đã đạt được trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, là dịp để các nhà khoa học trao đổi, học tập kinh nghiệm, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Di sản Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

20151123_091031_hiip.jpg
Khoảng 30 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi đến Hội thảo xung quanh vấn đề bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Cần tăng cường nghiên cứu khảo cổ học tại khu Di sản

Tọa lạc chính giữa lòng Thủ đô của đất nước, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO ghi nhận. Dù trên một diện tích không rộng lắm, nhưng nơi đây chồng xếp, đan xen nhiều lớp văn hóa của toàn bộ lịch sử kinh thành Thăng Long từ năm 1010 đến năm 1788. Những đánh giá bước đầu rút ra chủ yếu từ địa điểm khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã nói lên giá trị bất hủ của Di sản Hoàng thành Thăng Long khi đạt 3 tiêu chí của một Di sản Thế giới. Tuy nhiên, UNESCO vẫn khuyến nghị cần phải tăng cường nghiên cứu khảo cổ học tại khu Di sản, đặc biệt là khu vực chính điện Kính Thiên.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam và Đoàn khai quật khu vực chính điện Kính Thiên, trong 5 năm vừa qua (từ năm 2011 – 2015), công tác nghiên cứu đạt được rất nhiều thành tựu , soi sáng rất nhiều cho hiểu biết của chúng ta về khu di sản này. Đó là lần đầu tiên đã xác định ở khu vực chính điện Kính Thiên tầng văn hóa có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8 – 9 đến thế kỷ 19 – 20; Lần đầu tiên xác định được các dấu tích kiến trúc ở Trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại; Bước đầu làm xuất lộ 4 dấu tích kiến trúc thời Lý rất lớn và hoành tráng là đường nước lớn, sân nền lát gạch vuông thời Lý, kiến trúc có móng trụ sỏi và đường móng tường làm bằng sành. Trong khi đó, những nghiên cứu cũng cho thấy dấu tích kiến trúc thời Trần bị phá hủy nghiêm trọng.

Thềm rồng tại điện Kính Thiên.

Một thành tựu quan trọng nữa phải kể đến đó là bước đầu xác định được một phần không gian Chính điện Kính Thiên - cung điện quan trọng bậc nhất, là nơi vua thiết triều, bàn những việc quốc gia đại sự.

“Các cuộc khai quật tại đây đã làm rõ được một phần tổ chức mặt bằng không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê từ Đoan Môn đến thềm rồng điện Kính Thiên. Phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần của nhiều giai đoạn khác nhau cho thấy có sự thay đổi phức tạp của khu vực này. Thời Lý có một mặt bằng tổ chức không gian quan trọng nằm dưới lớp văn hóa thời Lê và thời Trần. Hiển nhiên, tất cả đó mới chỉ là dự đoán và cần chờ đợi các kế hoạch nghiên cứu lâu dài có tính chất “thế kỷ” ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Chỉ có như thế chúng ta mới hy vọng hiểu them phần nào diện mạo kinh đô Thăng Long hoa lệ nghìn năm”, Theo PGS.TS Tống Trung Tín cho biết.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu: “Theo nghị quyết UNESCO, cũng như cam kết của chính phủ, trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy về phía Việt Nam cũng như trên phương diện thế giới, chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu. Nghiên cứu cơ bản là nền tảng để chúng ta hiểu sâu sắc, và chỉ trên cơ sở nghiên cứu khoa học đó, chúng ta mới đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị một cách có hiệu quả nhất”.

Tôn trọng giá trị nổi bật toàn cầu của di sản

Bên cạnh việc nghiên cứu, khảo cổ, làm thế nào để phát huy những giá trị độc nhất vô nhị của Hoàng thành Thăng Long cũng là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học tại Hội thảo. GS. William Logan, Chủ tịch ban Di sản và Đô thị của UNESCO tại đại học Deakin, Australia cho biết: “Để bảo tồn di sản cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Điều vô cùng quan trọng là phải tôn trọng các giá trị cốt lõi làm nên 3 đặc trưng của Hoàng thành Thăng Long là chiều dài lịch sử, vai trò liên tục là trung tâm quyền lực, các tầng di tích xếp chồng lên nhau, lấy đó làm cơ sở cho việc quản lý khu di sản”.

GS. William Logan bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam tiến hành khai quật bên trong khu vực được công nhận di sản thế giới nhiều hơn bên ngoài, những khai quật này đã làm thay đổi tương quan giữa di tích dưới lòng đất với những công trình trên mặt đất, khiến cho các giá trị khảo cổ học nổi trội hơn. Ngoài ra, các kiến trúc trên mặt đất, đặc biệt là tòa nhà thời kỳ Thực dân Pháp và một số công trình quân sự Việt Nam thời hiện đại thực tế đã bị dỡ bỏ kể từ khi di sản được UNESCO công nhận, trong khi đây chính là một tầng văn hóa, một đặc điểm làm nên giá trị nổi bật toàn cầu mà Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận.

Cũng theo GS. William Logan, việc dỡ bỏ các tòa nhà thời Pháp để nhường chỗ cho việc phục dựng không gian điện Kính Thiên dự kiến tiến hành vào năm 2020 của những người làm quy hoạch sẽ bỏ qua sự phát triển, biến đổi của Hoàng Thành suốt hơn 1.300 năm qua, làm mất đi tầng văn hóa Pháp. Điều này sẽ dẫn đến việc không bảo vệ hiệu quả giá trị nổi bật toàn cầu, khiến cho khu di sản có nguy cơ vào danh sách nguy hiểm, hoặc thậm chí bị tước danh hiệu.

GS. Phan Huy Lê bày tỏ quan điểm: “Các kiến trúc Pháp cũng nằm trong đối tượng được bảo tồn. Dĩ nhiên, kiến trúc Pháp rất nhiều, trong đó có cả những kiến trúc không có giá trị. Về phía Việt Nam sẽ nghiên cứu và có kế hoạch để tháo dỡ. Những kiến trúc có giá trị, nằm trong hồ sơ bảo tồn thì vẫn cần được bảo tồn”.

Việc bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long là công việc đòi hỏi phải có hướng đi đúng, có kế hoạch bảo tồn lâu dài và bền vững nhằm phát huy giá trị di sản của dân tộc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội: Những di sản văn hóa vô giá dưới lòng đất của Di tích Hoàng thành Thăng Long như một lực hấp dẫn đối với những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội và càng nghiên cứu, càng nhận thức sâu sắc hơn giá trị khu di tích. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích là rất cần thiết. 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/8/2015, Bộ Xây dựng đã ra quyết định số 975/QĐ-BXD chính thức phê duyệt quy hoạch Di tích Hoàng thành Thăng Long. Quy hoạch này sẽ là cơ sở để tu bổ, tôn tạo vùng lõi của di sản hướng tới mục tiêu chính là xây dựng di sản thành công viên văn hóa du lịch. Cụ thể là bảo tồn tại chỗ, toàn vẹn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu vực Thành Cổ từ Cột Cờ đến Cửa Bắc tạo ra sự liên kết, liên thông giữa các không gian này. Quy hoạch này sẽ tạo ra điểm du lịch sáng giá của Thủ đô./.