Tối 23/11, nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận danh hiệu “Di sản văn hóa thế giới”, tại di tích lịch sử này đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Đến dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, bà Katherine Müller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, bà Mechtild Rössler, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO cùng nhiều đại biểu các bộ, ban ngành, địa phương của Việt Nam và quan chức UNESCO.
Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội Katherine Muller-Marin phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: An Đăng - TTXVN. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, UNESCO là một tổ chức có uy tín cao, có đông đảo thành viên và nhiều đóng góp quan trọng trong những lĩnh vực hoạt động chính là văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin và truyền thông. Các vấn đề thiết yếu của giáo dục như xóa nạn mù chữ, giáo dục cho mọi người, học tập suốt đời và tư tưởng giáo dục vì sự nghiệp bền vững của chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 đều mang đậm những dấu ấn của UNESCO.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, UNESCO cũng là một tổ chức gần gũi với nhân dân Việt Nam và có nhiều đóng góp thiết thực cho từng gia đình, địa phương và cộng đồng dân cư. Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, triển khai hiệu quả sáng kiến và chương trình hợp tác, đóng góp thiết thực vào công tác của UNESCO, đảm nhận các trọng trách tại cơ quan lãnh đạo và chuyên môn của UNESCO như Hội đồng chấp hành và Ủy ban Di sản Thế giới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Là dân tộc có truyền thống yêu chuộng hòa bình, coi trọng giáo dục và thấm đậm bản sắc văn hóa do ông cha để lại, nhân dân Việt Nam nhanh chóng gắn bó với tôn chỉ, mục đích hoạt động của UNESCO. Nhiều ý tưởng của UNESCO trùng hợp với khát vọng sống và vươn lên của dân tộc Việt Nam như trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 14 tháng 1 năm 1946 là “nhân dân Việt Nam sẵn sàng và mong muốn thực hiện những điều khoản cao quý của Hiến chương San Francisco, Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: An Đăng - TTXVN. |
Theo Phó Thủ tướng, Việc UNESCO tôn vinh các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định điểm tựa của niềm tin vào sức mạnh bắt nguồn từ lòng yêu nước trí tuệ và các giá trị Chân- Thiện – Mỹ của dân tộc Việt Nam ở những con người ưu tú nhất của mình. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ hy vọng, UNESCO tiếp tục đi đầu trong việc thúc đẩy nền văn hóa hòa bình, tư tưởng khoan dung việc chấp nhận và tôn trọng khác biệt văn hóa.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trưởng Đại diện UNESCO tại Hà Nội, bà Katherine Müller-Marin cũng đã nêu bật tư tưởng coi trọng đa dạng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà cho biết: “Người đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế và chính trị, đồng thời tin tưởng rằng văn hóa phải thấm đẫm vào từng tế bào của xã hội và chạm tới từng con người để khơi dậy tiềm năng sáng tạo và cho rằng “Mục đích cao cả của học tập là để trở thành người với đúng ý nghĩa của nó”.
Bà bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tình yêu mà nhân dân Việt Nam dành cho việc gìn giữ truyền thống của cha ông, lòng yêu nước sắt son, cũng như khát khao hòa bình, lao động cần cù và coi trọng gia đình.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Hà Nội bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa UNESCO và Việt Nam ngày càng bền vững, đạt được những thành quả to lớn.
Trước đó, trong thông điệp chúc mừng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận danh hiệu “Di sản văn hóa thế giới”, Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cũng đã cam kết, cơ quan này sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong tiến trình đất nước hướng theo con đường phát triển bền vững./.