Năm 2016, nghệ thuật tuồng xứ Quảng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực quáng bá loại hình nghệ thuật này đến với công chúng như: tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ miễn phí, hoặc bán vé xem tuồng giá rẻ. Thế nhưng, loại hình nghệ thuật này vẫn gian nan đi tìm khán giả.

vov_tuong1_gnlk.jpg
Một cảnh diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thành phố Đà Nẵng.

Hai tuần nay, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thành phố Đà Nẵng đang phục dựng lại vở Tuồng “Ngọn lửa Hồng sơn” để biểu diễn phục vụ khán giả.

Vở tuồng này kể về Tạ Ngọc Lân, một ông quan văn võ song toàn. Ông chán ghét trò xu nịnh, tranh giành ngôi thứ, nên đã từ quan về quê vui thú với ruộng đồng. Ông sinh được hai người con, con trai là Tạ Kim Hùng, một tên gian tặc phản dân, hại nước; con gái là Tạ Thị Phương Cơ, đảm đang, thông minh cùng cha lo toan việc nước. 

Trước việc Tạ Kim Hùng cấu kết với gian thần Triệu Văn Hoán lật đổ ngôi Nữ chúa, mặc cho tuổi già sức yếu, gác tình riêng, Ngọc Lân đốt doanh trại rồi dùng ngón võ độc nhất vô nhị của mình mà ông chưa truyền dạy cho Kim Hùng, để trừ khử người con. 

Chị Trần Thị Kiều Oanh, diễn viên nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đóng vai cô con gái Tạ Thị Phương Cơ trong vở tuồng “Ngọn lửa Hồng sơn”, chia sẻ: Đoàn phục dựng lại vở tuồng này với mong muốn giới thiệu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng.

Chị Oanh cho biết, vì quá yêu và say mê tuồng nên dù không thể mưu sinh bằng nghề, chị vẫn cố theo đuổi. Thế nhưng, có nhiều đêm diễn, khán giả quá ít khiến chị cảm thấy chạnh lòng: "Nhiều người nói không biết hát tuồng là gì hết, giới trẻ hiện nay nghe tuồng không hiểu hết được nội dung. Tôi cảm thấy buồn vì điều đó. Khi diễn, nhìn xuống khán phòng còn có vài khán giả, diễn viên cũng không còn hứng thú gì nữa".

 

Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến với sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giảm 30 - 40%. Có nhiều đêm diễn chỉ bán được 20 vé nhưng Nhà hát vẫn phải sáng đèn. Những chương trình diễn tuồng trọn vở thì đã dừng hẳn hoặc chỉ biểu diễn vào cuối năm và đa phần là mời khán giả đến xem miễn phí nhưng cũng thưa thớt.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, khán giả trẻ không hiểu tuồng là gì nên không mấy mặn mà với sân khấu tuồng: "Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng là một địa điểm trung tâm có một sân khấu biểu diễn khá là đẹp, đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, khán giả tuồng thì lại ít. Nó có một lý do khách quan, tức là hiện nay ở thành thị có nhiều lượng thông tin, công nghệ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người ta nhiều quá. Do đó, nghệ thuật biểu diễn tuồng không còn độc tôn như trước nữa".

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có hơn 60 nghệ sĩ, diễn viên tuồng. Những năm gần đây, Thành phố có nhiều chính sách để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng như: đưa tuồng xuống phố biểu diễn phục vụ du khách; biểu diễn tuồng ở trường học, khách sạn, resort... Mỗi năm, thành phố đầu tư xây dựng 2 vở tuồng mới và phục dựng một số trích đoạn thể hiện bản sắc nghệ thuật tuồng của miền Trung.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, đưa tuồng xuống phố chỉ là giải pháp tình thế giúp khán giả làm quen với nghệ thuật Tuồng. Vì vậy, thành phố cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông: "Biểu diễn nghệ thuật tuồng đòi hỏi diễn viên tài năng. Tuy nhiên, nhiều khán giả chưa am hiểu tuồng tích, cho nên khó thưởng thức. Trong ngành chúng tôi đang suy nghĩ, sắp tới nên chăng trước khi biểu diễn tuồng, chúng tôi giới thiệu nội dung các vở tuồng. Giới thiệu nghệ thuật tuồng, đưa tuồng đến với giới trẻ bằng cách mời một số nghệ sĩ, diễn viên tiêu biểu đến phổ biến ở các trường học".

Nghệ thuật tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một. Các nghệ sĩ tâm huyết, đam mê với nghề ngày dần mất đi, trong khi nghệ sĩ trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu khi diễn những vở tuồng khó. Vì thế, tìm hướng bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật tuồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả./.