Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cùng Sở Văn hóa & Thể thao Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016. Kỳ hội tụ này của các nghệ sĩ kịch hát truyền thống diễn ra từ 20-29/8, tại Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng.
Cuộc thi năm nay, theo thống kê cơ học, đã có sự tăng tiến về số lượng đơn vị cũng như tác phẩm dự thi. 17 vở diễn của 11 đơn vị dự thi khá đa dạng về đề tài (ở tuồng đề tài hiện đại: 2 vở; lịch sử 7 vở; dã sử dân gian 1 vở- ở Dân ca kịch có 2 vở đề tài lịch sử và 5 vở hiện đại), màu sắc khai thác cũng khá phong phú.
Đơn cử ở đề tài lịch sử, các tác giả, đạo diễn đã cố gắng đi vào những nét nội tâm, những chi tiết đời thường của người anh hùng, khơi gợi ở đó những vấn đề vẫn còn sức nóng trong xã hội đương thời.
Qua đợt tổng duyệt lực lượng sáng tạo của Tuồng và Kịch Dân ca, người làm nghề cũng yên tâm phần nào khi lực lượng nghệ sĩ trẻ vẫn rất tâm huyết với nghề, và lấp lánh đây đó, vẫn có những tài năng có thể kế tục sự nghiệp nhiều trăm năm của tuồng hay truyền thống của kịch dân ca.
Tuy nhiên, căn bệnh trầm kha của sân khấu tuồng và kịch dân ca cũng bộc lộ rất rõ nét. Luôn tâm niệm, nghệ thuật là phải sáng tạo, nhưng sự gò bó của một loại hình có tính khuôn mẫu như tuồng phần nào đó đã khiến cho các ê kip đã quá thận trọng, như đánh giá của PGS. TS Trần Trí Trắc: “Nhìn lại 17 tác phẩm, Hội đồng giám khảo nhận thấy rất ít vở diễn có chủ đề mới mang tầm triết lý cao, phần lớn vẫn cũ, quen thuộc với sự phản ánh mang tính thông tấn, thời sự… hầu như chưa có cốt truyện vở nào hay, mới, độc đáo. Thêm vào đó là kết cấu kịch còn lỏng lẻo, lớp thừa lớp thừa lớp thiếu, lớp dài, lớp ngắn, thiếu logic, ngẫu nhiên, vô lý…”
Bên cạnh đó là sự chênh lệch khá lớn giữa các đơn vị về mặt bằng trình độ đội ngũ sáng tạo, về sự đầu tư thời gian, tâm huyết, khiến nhiều vở còn thiếu chỉn chu, nghiêm túc, mất đi tính chuyên nghiệp… Nhưng điều trĩu nặng tâm tư nhất của người làm nghề vẫn là sự thiếu thốn trầm trọng lực lượng viết chuyên cho tuồng và dân ca.
Nhà hát Tuồng Việt Nam ra mắt vở tuồng hiện đại “Ao làng” mang đến cho khán giả một hơi thở mới trên sân khấu truyền thống. |
Ở Tuồng hiện nay, chỉ còn nhà biên kịch Sĩ Chức là có khả năng viết thẳng kịch bản tuồng, còn lại là phải qua khâu chuyển thể. Đạo diễn, NSUT Đặng Bá Tài cũng nhìn lại đội ngũ đạo diễn tuồng và hoang mang cho rằng, nhiều người hiện nay vẫn làm theo kinh nghiệm mà thiếu đi tư duy tổng thể của đạo diễn kịch hát, đặc biệt là tuồng.
Với công tác tổ chức, do thiếu kinh phí nên mặc dù mục tiêu chung của các cuộc thi luôn là hoạt động nghề nghiệp để anh chị em nghệ sĩ được giao lưu, học hỏi nhưng hầu hết các đơn vị đều cận ngày diễn mới vào, diễn xong là ra về ngay, không có cơ hội xem đơn vị bạn biểu diễn, nói gì tới giao lưu, học hỏi. Rồi không khí đua tranh dựng và tham gia tới 2 vở để các nghệ sĩ có cơ hội nhận huy chương, từ đó mới có cơ sở để được tặng danh hiệu cũng khiến cho việc đánh giá, trao huy chương nhuốm màu phân chia giải…
NSND Hoàng Khiềm có phần bức xúc khi phát biểu: Từ khi giải phóng miền Bắc tới nay, chúng ta đã có tới ba cách gọi những kỳ cuộc như thế này: Hội diễn, Liên hoan, và giờ là Cuộc thi. Dù thế thì hình thức vẫn không có gì khác, không có gì cải tiến mới. Theo ý kiến ông, cần phải có sự thay đổi, thậm chí dừng lại cách tổ chức như hiện nay vì nó không có tác động nhiều tới hoạt động nghệ thuật thường nhật. Chưa kể, tốn công, tốn của tới cuộc thi mà chả học hỏi được gì, đôi khi lại bị nhầm lẫn về tài năng của mình.
NSND Ngọc Phương hồi tưởng lại cách làm trước đây, được Nhà nước cấp kinh phí, nhiều thì có nhiều song không phải là bất khả thi, đủ để các đơn vị xem nhau cho tới hết. Rồi cơ quan quản lý hội thảo, bàn bạc về các vở diễn… cuối cùng tìm ra những vở xứng đáng, khiến anh em bạn nghề phải tâm phục khẩu phục. Chứ cách làm như hiện nay là quá lãng phí, vì kinh phí ăn ở không thể bằng chi phí đi lại mà không đạt được mục đích. Nên chăng, nếu thực sự là thi thố, cần “ra đầu bài” là một vở kinh điển, các đơn vị cùng dựng diễn thì mới có cơ sở so sánh.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK VN cũng đồng thuận cho rằng, khi công tác tổ chức chưa tính tới kết quả thực sự cho hoạt động của các đơn vị, khi những kỳ cuộc hiện đang diễn ra theo cách thức như bây giờ, lại gây ra lãng phí tiền của.
Nên chăng, cần có những buổi biểu diễn báo cáo của những vở được giới chuyên môn thừa nhận ở các trung tâm sân khấu lớn như Hà Nội, tp Hồ Chí Minh. Hay việc các vở diễn được giải, không được giải cũng cần có những trao đổi giữa nghệ sĩ và giám khảo với sự minh bạch, phân tích cùng nhau để tìm ra thành công ở đâu, thất bại ở khâu nào… Có vậy mới không gây hiểu lầm và là hoạt động học thuật có ý nghĩa. Nếu cứ tiến hành như hiện tại, vì
Cuộc thi không thu hút được người làm nghề, bạn diễn không xem nhau, báo giới không chú ý tuyên truyền, nhà nghiên cứu cũng không có kinh phí để dự, đặc biệt là các nhà quản lý cũng không còn chú tâm nhiều tới hoạt động này thì tổ chức hội thảo, bàn luận, đề ra giải pháp cũng… chỉ để đó mà thôi…
Như mọi kỳ cuộc có số lượng đơn vị, tác phẩm, nghệ sĩ tham gia đông đảo, sau khi kết thúc, dư âm của nó quả là đầy những ý kiến trái chiều. Dù Cuộc thi kết thúc đã được đánh giá là thành công khi lần đầu, tuồng có được vở hài, kịch dân ca có cái mới là đã hòa hợp với ca, múa, nhạc hiện đại, những cái mới mẻ chưa thực sự hoàn hảo nhưng những “dư chấn” như các ý kiến của những nghệ sĩ lão thành của ngành tuồng đánh giá cũng là những thành ý tâm huyết với sự nghiệp sân khấu dân tộc, xứng đáng để được các cơ quan hữu trách nghiên cứu, xem xét, đổi thay cho phù hợp./.