Sáng 19/11, triển lãm "Đình làng xứ Đoài" khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11. Sự kiện do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với nhóm Đình làng Việt tổ chức.
Triển lãm trưng bày hơn 200 bức ảnh của 22 ngôi đình, được lựa chọn từ hơn 200 ngôi đình thuộc xứ Đoài (trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một số huyện phía Tây Hà Nội).
Theo họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, xứ Đoài cho đến nay vẫn đứng đầu về số lượng di tích. Đình xứ Đoài là sản phẩm tinh thần đặc sắc của nền văn hóa nhân dân nơi đây. Trong ảnh là đình Viên Châu (Ba Vì, Hà Nội).
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt chia sẻ, trong 9 chuyến điền dã đã được các thành viên nhóm Đình làng Việt thực hiện thì đã có đến 4 lần về với xứ Đoài. 
Đình làng xứ Đoài chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số toàn bộ đình làng khu vực châu thổ Bắc Bộ. Trong ảnh: Đình Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội).
Với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tinh xảo, đình làng xứ Đoài mang những nét đặc trưng riêng, không lẫn với đình làng xứ Nam, xứ Bắc hoặc xứ Đông.
Đình làng xứ Đoài thường để ngỏ 4 bề và dân làng bất cứ lúc nào cũng có thể vào đình.

Đình Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là ngôi đình có kiến trúc độc đáo với từng đường nét điêu khắc tinh tế, mang đầy cảm hứng nghệ thuật.
Bên trong đình Hương Canh.
Cùng với đình Hương Canh và Tiên Canh, đình Ngọc Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tạo thành cụm di tích đình Tam Canh độc đáo về mỹ thuật kiến trúc gỗ cổ dân gian hiếm thấy của xứ Đoài và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ.
Trong các chuyến điền dã, các thành viên của nhóm Đình làng Việt chụp cảnh quan kiến trúc bên ngoài, sau đó đến bộ khung, kết cấu, tổng thể bên trong, dần dần đến từng chi tiết chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc.
Đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội) là một trong những ngôi đình được bảo tồn gần như nguyên vẹn nhất.
Những mảng chạm khắc ở đình Tường Phiêu (Phúc Thọ, Hà Nội) từ thế kỷ 17.
Kiến trúc bên trong đình Phú Đa (Thạch Thất, Hà Nội)