“Di sản làng xã còn và mất trong lòng dân” là nhan đề cuộc tọa đàm diễn ra chiều 16/8 trong khuôn khổ triển lãm “Đình làng Việt – Những điều còn mất” tại Hà Nội. Cuộc tọa đàm với sự tham gia của những người yêu di sản, cùng sự góp mặt của họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam với vai trò khách mời. Cuộc tọa đàm xoay quanh nội dung ngôi làng người Việt sự biến đổi của nó qua các gian đoạn lịch sử, đặc biệt là sự biến đổi của làng xã trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập.
Tọa đàm “Di sản làng xã còn và mất trong lòng dân” |
Người dân đang thờ ơ với chính đình làng của mình?
Mở đầu cuộc tọa đàm, anh Trần Ngọc Đông, thành viên nhóm Đình làng Việt, một người con xứ Hương Canh, Vĩnh Phúc đã chia sẻ những trăn trở xung quanh việc bảo tồn di tích, di sản ở chính quê hương mình. Đối với anh, đình làng như là một mảnh hồn quê, một nét đẹp của xóm làng Việt Nam, từ lâu đã in vào tâm khảm mỗi con người. Ở Hương Canh nói riêng, những đình chùa miếu mạo là niềm tự hào, là tài sản vô cùng quý giá của người dân nơi đây. Tại Hương Canh có 4 di tích lịch sử được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia là đình Hương Canh, đình Ngọc Canh, đình Tiên Hường và chùa Kính Phúc. Qua thời gian, những di tích này xuống cấp và được tiến hành trùng tu. Tuy nhiên, công tác trùng tu di tích nơi đây, theo anh Đông và báo chí từng phản ánh, không khác gì “thảm họa”.
Là một người tâm huyết với di sản cha ông, anh Đông chủ động theo sát công việc trùng tu, dù đó không phải là công việc chính của mình. Nhận thấy nhiều bất cập, anh Đông từng làm đơn kiến nghị để bảo vệ những pho tượng cổ bằng đất sét nện không bị thay mới bằng tượng gỗ trong quá trình trùng tu chùa Kính Phúc hồi năm 2012, nhưng công việc thay thế vẫn diễn ra theo đúng tiến độ. Anh Đông cảm thấy đau xót khi nhìn thấy những tượng Phật ra đi trước mắt mà không làm gì được. Ngôi chùa cổ trong ký ức của anh sau trùng tu trở nên lạ lẫm.
Năm 2014, những hình ảnh hạ giải bằng cuốc xẻng trong quá trình trùng tu đình Tiên Hường được anh Đông ghi lại tràn ngập các mặt báo, tạo nên nhiều bức xúc đối với những người yêu di sản. Điều may mắn là nhờ phản ánh của báo chí, của dư luận mà Bộ VHTT&DL đã vào cuộc để chấn chỉnh việc trùng tu theo đúng quy trình. Tuy nhiên, theo anh Đông, điều đáng nói là những người dân hàng ngày đi lại qua ngôi đình trước đó hầu như không mấy quan tâm đến việc trùng tu di tích của mình. Thậm chí, việc thông tin cho báo chí về việc hạ giải bằng cuốc xẻng của anh Đông lại bị chính những người dân trong làng phản ứng, bởi họ cho rằng, tại anh mà ngôi đình không được làm mới, và đó là việc của Nhà nước chứ không phải việc của mình.
Công nhân hạ giải mái đình Tiên Hường (hay còn gọi là Tiên Canh). |
Những trăn trở về bảo tồn di tích của anh Trần Ngọc Đông cũng nhận được sự đồng cảm của KTS Nguyễn Giang, một người con xứ Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. KTS Nguyễn Giang chia sẻ ngắn gọn về sự mai một các giá trị truyền thống của di tích ở quê hương mình, và cũng cảm thấy những người dân không còn thực sự trân trọng những di sản cha ông như ngày xưa.
Để di sản sống trong lòng dân
Theo họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, khi nền kinh tế toàn cầu diễn ra, ở mỗi đất nước, tuy mức sống khác nhau, nhưng hình ảnh thế giới mọi nơi đều đang biến đổi theo một xu hướng chung. Và điều làm nên sự khác biệt đó là những di sản văn hóa mà ẩn chứa trong đó là tinh thần dân tộc, bản lĩnh dân tộc. Tuy nhiên, những cái đó đang dần bị mai một bởi những đợt trùng tu thiếu sự giám sát của người dân.
“Đã có rất nhiều lần báo chí lên tiếng về vấn đề trùng tu như phá di tích ở nước ta, mà bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ đội ngũ thợ kém tay nghề do công cho thợ được tính như thợ xây dựng. Kể cả có thuê được những người thợ giỏi mà không có kiến thức về văn hóa, lịch sử mà chỉ biết chạm theo mẫu, thì tình trạng lai căng mẫu của nước ngoài vào di tích Việt Nam là rất lớn. Ngoài ra, nguyên nhân nữa là do quy chế bảo vệ di tích hiện nay còn nhiều bất cập. Đặc biệt là người dân bây giờ không còn trân trọng di tích như ngày xưa, tình trạng xâm lấn di tích vẫn xảy ra ở nhiều nơi”, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ.
Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Nguyễn Đức Bình. |
“Tại sao người dân lại thờ ơ khi người ta đụng chạm đến đình làng của mình như vậy?” là câu hỏi mà TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đặt ra trong cuộc tọa đàm. Theo TS Trần Hữu Sơn, một phần lý do là bởi công việc trùng tu, tôn tạo di tích hiện giờ chủ yếu trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó, để di sản thực sự sống trong lòng dân thì mỗi người phải có trách nhiệm đối với di tích ở địa phương mình.
“Việc để người dân trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn, tôn tạo di tích ở địa phương mình là cần thiết. Thậm chí, ngoài nguồn ngân sách, người dân có thể tham gia đóng góp tiền của để cùng chung tay gìn giữ di sản cha ông”, TS Trần Hữu Sơn chia sẻ.
TS Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, người dân địa phương nên kết hợp bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, bởi hiện nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản. Phát triển du lịch từ di sản sẽ giúp người dân cải thiện cuộc sống, khi đó, người dân sẽ thêm hiểu và yêu mến di sản mà cha ông đã để lại, qua đó có ý thức chung tay giữ gìn và phát huy những giá trị di sản này nhiều hơn nữa. Di sản lúc đó mới thực sự song hành cùng đời sống của người dân./.