Từ quốc lộ 1A cũ, ở đoạn xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội rẽ vào chừng 2 km, nếu thấy những tấm biển hiệu chăng đầy 2 bên đường là tới thôn Đông Cứu. Làng nghề khăn chầu áo ngự - nơi cung cấp trang phục cho giới hầu đồng nổi tiếng cả nước đang phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

1_btiu.jpg
Đình làng thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội.

Theo số liệu từ chủ tịch hội nghề thêu Đông Cứu, nghề khăn chầu áo ngự mang đến nguồn thu khá cao cho người dân trong làng, với nguồn thu từ trung bình vài trăm triệu/cơ sở sản xuất/ năm.

Theo những người cao tuổi trong làng, nghề làm khăn chầu áo ngự đã có từ rất lâu đời, cũng phải tới 300 năm, gắn với câu chuyện của ông tổ nghề thêu đi sứ sang Tàu đã học được rồi về truyền lại cho dân Đông Cứu và người dân làng Quất Động.

Làng Đông Cứu phát triển hơn hẳn, cho tới hiện nay làng được xem như địa chỉ uy tín duy nhất cả nước chuyên cung cấp các “mặt hàng thời trang” cho giới hầu đồng và phục chế các đồ long bào hoàng tộc.

Gần như cả làng đi thêu khăn chầu áo ngự

Theo ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch hội nghề thôn Đông Cứu, hiện nay, trong thôn có tới 40 xưởng sản xuất quy mô lớn nhỏ, có tới 80% số dân tham gia việc làm thêu.

Nhân công trong xưởng thêu Lầu Ngọc.

Mỗi giờ ngồi thêu có giá từ 15-17 ngàn đồng. Đi thêu người dân vẫn có thể làm thêm công việc trồng trọt, chăn nuôi. Những lúc nông nhàn, người dân có thể đi thêu kiếm thêm. Chị Hương, một nghệ nhân thêu thuê cho hay, trước kia chị làm 1 mẫu ruộng, trồng lúa và hoa màu. Tính ra thu nhập cả 1 năm trừ chi phí cũng chỉ bằng vài tháng đi thêu. Giờ đi thêu có thu nhập cao hơn mà chị vẫn có thể làm được đồng ruộng như bình thường.

Khi hỏi về việc có sợ thất truyền nghề hay không, anh Tây - xưởng thêu Lầu Ngọc chia sẻ: "Vấn đề này cũng chưa nói trước được điều gì. Khách hàng còn cần, thì làng Đông Cứu còn làm. Còn về nguồn nhân lực ở đây không lo. Lớp trẻ ở đây ai cũng biết thêu cả, chẳng dạy mà cứ nhìn và học theo nên biết thêu từ bé, như là ăn vào máu rồi ấy!”.

"Lớp trẻ ở đây ai cũng biết thêu cả, chẳng dạy mà cứ nhìn và học theo nên biết thêu từ bé, như là ăn vào máu rồi ấy!"

Cũng do đặc thù của nghề là làm vào bất cứ thời điểm nào, nên mỗi dịp nghỉ hè thì trẻ con cũng có thể làm được, lúc không phải mùa vụ rảnh rỗi mọi người đều tham gia làm. Như vậy đã tạo thêm được nguồn thu nhập cho ngay cả các em học sinh, sinh viên từ nghề truyền thống của chính làng mình.

Đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng

Ông Ngọc, chủ sản xuất của xưởng thêu Lầu Ngọc cho biết, thêu máy đã có từ nhiều năm trước, thế nhưng mãi khoảng 5 năm gần đây ông mới đầu tư dàn thêu máy. Lý do là nhu cầu về khăn chầu áo ngự tăng lên nhiều, nhưng mong muốn có một mức giá hợp lí hơn nên những bộ thêu máy đã giải quyết được vấn đề đó.

Mỗi bộ thêu tay có giá từ 10 - 20 triệu thì những bộ thêu máy giá lại chỉ có từ 1 - 3 triệu. Do đó, ông đã đáp ứng được nhu cầu của một nhóm đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, những bộ thêu tay vẫn là thế mạnh của làng nghề. Nhiều khách từ Nam ra Bắc tìm tới tận đây để đặt may, dặn dò kĩ lưỡng về họa tiết và đường kim mũi chỉ.

Nghệ nhân Vũ Giỏi chuyên phục chế các mặt hàng long bào của vua chúa xưa.

Ngoài ra, một số ít những người thợ lành nghề, trong đó có nghệ nhân Vũ Giỏi biết những kĩ thuật thêu cổ truyền, chuyên phục chế các mặt hàng sản phẩm long bào của vua chúa xưa kia.

Việc khôi phục những mẫu thêu cổ không chỉ là một công việc mang lại lợi nhuận đơn thuần, nó còn giúp bảo tồn các di sản. Đây cũng là một hướng phát triển quan trọng của làng Đông Cứu.

Hiện nay các làng nghề truyền thống thường gặp khó khăn vì nghề mai một, nhưng làng Đông Cứu luôn tạo sự thay đổi để vươn lên làm giàu từ chính nghề truyền thống của quê hương./.

Mong muốn phát triển du lịch làng nghề

Ông Nguyễn Thế Du, chủ tịch nghề thêu thôn Đông Cứu cho biết, hiện nay, các nghệ nhân đang có kiến nghị với chính quyền một khu trưng bày sản phẩm tập trung. Như vậy, khi khách tham quan tới có thể dễ dàng quan sát, xem xét và lựa chọn. Ngoài ra, muốn phát triển được du lịch thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như thị trường, cách quảng bá. Đó cũng là hướng phát triển mà làng thêu Đông Cứu hướng tới.