Sau vụ lở núi thảm khốc những ngày đầu tháng 9/2012, với sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng, hơi ấm đã dần trở lại trong những ngôi nhà của 20 nạn nhân ở xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Trong cái lạnh tê tái ở vùng cao những ngày giáp Tết Quý tỵ này, bà con nơi đây đã thu hoạch xong lúa ngô, cây trái, mua sắm lương thực, vật dụng chờ đón Tết, đón mùa Xuân về.

Vực dậy sau nỗi đau

Mùa xuân, hoa Tớ Dảy (hoa đào rừng - tiếng Mông), nở đỏ rực các sườn đồi. Những nếp nhà vững chãi, mái lợp phi bờ rô xi măng trắng sáng như tô điểm sự sống cho bức tranh ruộng bậc thang chuẩn bị vào mùa nước đổ. Trên con đường quanh co từ bản về xã, trẻ em rẽ sương mù, tíu tít tới trường; những chị em má đỏ hây hây vừa xuống chợ vừa tranh thủ thêu thùa, may vá. Đầu bản La Pán Tẩn, những căn nhà vang tiếng nói cười.

Thường thì hôm nay đương kỳ Tết Mông, nhưng năm nay theo sự vận động của chính quyền, bà con không tổ chức Tết sớm như thường lệ nữa mà chờ để vui Tết cổ truyền cùng đồng bào cả nước. Ai cũng phấn khởi, bởi trong nhà, ngô lúa đã thu về đầy bồ, thực phẩm, vận dụng đã dự trữ đủ và trâu bò cũng đã đưa hết từ rừng về chuồng. Tiếng cười nói rộn ràng như làm ấm lên bầu trời giá rét.

dao-rung-5.jpg
Đào rừng nở trên các nẻo đường lên các tỉnh miền núi phía bắc (Ảnh: KT)

Trong tiết trời đó, Hảng Thị Sông vẫn miệt mại ngồi may váy bên chiếc máy khâu. Những đường may trơn tru và đều đặn. Từ ngày bố mẹ và anh trai mất sau thảm hoạ lở núi, sau giờ học, Hảng Thị Sông giúp chị dâu làm việc, chăm cháu và may vá quần áo cho cả nhà.

Ngày 7/10, một số người dân ở xã La Pán Tẩn và Púng Luông đang mót quặng tại khu mỏ khai thác của Công ty Cổ phần Thịnh Đạt ở thôn Trống Páo Sang (xã La Pán Tẩn) thì bị sạt lở núi làm 20 người thương vong

Sau ánh mắt tươi sáng của cô bé, vẫn thoảng những nét buồn khi nghĩ về chuyện cũ, vẫn chứa đầy nỗi nhớ bố Hảng Tồng Chua, nhớ mẹ Thào Thị Của và anh trai Hảng A Giàng, nhưng cũng ánh lên nghị lực lớn. Giờ Hảng Thị Sông biết em đã như một trụ cột gia đình nên phải cố gắng thật nhiều.

Công việc thu hái đã được bà con hàng xóm giúp đỡ xong xuôi, Tết cũng đã chuẩn bị được một phần, buổi trưa, chị Lý Thị Tằng tranh thủ ra sưởi nắng với các chị em khác. Sau những đau xót về sự ra đi của người chồng là anh Hảng A Sú, chị Tằng đã vững vàng đứng dậy. 

Khác với sự bi thương hôm nào, hôm nay ở chị Tằng có một sự rắn rỏi lạ thường. “Ai cũng động viên giúp đỡ mình, ban đầu mình thấy thật buồn, nhưng không thể buồn mãi được. Mình phải làm nương làm ruộng để còn nuôi con cái nữa. Bố chúng mất rồi, mình phải làm luôn nhiệm vụ của anh ấy nữa. Sắp Tết rồi, phải lo cho các cháu được bằng chúng bạn” – chị Tằng nói.

Ông Lý Bội Ký, cán bộ lao động thương binh và xã hội xã La Pán Tẩn đưa nhóm phóng viên chúng tôi đi từng nhà các nạn nhân, để chứng thực cho lời nói của mình, rằng các hộ dân bị nạn đã thực sự ổn định lại cuộc sống.

Qua nhà nạn nhân Lý A Lềnh ở bản Trống Páo Sang, chị Giàng Thị Dở cho biết sau khi chồng mất, chị đã gửi 3 đứa con vào Làng trẻ SOS Việt Trì, còn lại tự mình lo cho 2 đứa. Được cái, đứa nào cũng ngoan lại được bà con trong bản, trong xã đỡ đần trông coi, nên chị có thời gian đi trồng cấy, thu hái…

Trong nhà các nạn nhân Lý A Sàng, Sùng Thị Dở hay Hảng A Dinh... ngô lúa thu về khá nhiều, được chất bên bếp lửa hay treo thành từng dải trên xà nhà. Và nhà nào cũng có khá đông người quây quần bên bếp lửa. Từ ngày hôm đó tới giờ, anh em, bà con và người dân trong bản thường cử nhau tới động viên, chia sẻ.

Hơn 20 năm làm công tác an sinh xã hội, ông Lý Bội Ký cho rằng, ngoài sự giúp đỡ của nhà nước, thì chính sự đùm bọc của cộng đồng đã kéo được sự ấm áp về các ngôi nhà sớm hơn dự tính.

Giảm được 1 hộ nghèo đã là thành quả lớn

Chủ tịch xã La Pán Tẩn, ông Giàng Chứ Ly tất bật với những công việc cuối năm nhưng hai, ba hôm lại bố trí thời gian lên bản, xem bà con ăn ở ra sao. Bây giờ không chỉ lo cho bà con cái ăn cái mặc, mà còn phải động viên bà con làm ăn, tìm ra những hướng đi cho mỗi gia đình.

Ông Giàng Chứ Ly cho biết: “Sau vụ sạt lở, được sự quan tâm của Nhà nước, của các tổ chức, đến nay người dân bị nạn đã cơ bản ổn định cuộc sống. Ngoài thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, xã cũng chủ động cử cán bộ và người dân địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình. Người dân đã vượt qua buồn đau nhưng chưa biết bắt đầu lại như thế nào nên bây giờ phải chỉ bảo, hướng dẫn chu đáo cho bà con”.

Cứu hộ vụ lở núi ở La Pán Tẩn năm 2012 (Ảnh: KT)

Nghèo, đó là nguyên nhân của tai họa những ngày tháng 9 đó. Vì nghèo mà người dân đã bất chấp hiểm nguy. Cái nguyên do đó khiến nhiều cán bộ trăn trở. Năm nay, huyện Mù Cang Chải giảm được 126 hộ nghèo, và La Pán Tẩn có hơn chục hộ.

Ở vùng thấp, giảm được có từng ấy hộ nghèo thì chưa đáng mừng. Nhưng ở vùng cao khó khăn nhất nước như Mù Cang Chải, giảm được 1 hộ nghèo đã là thành quả. La Pán Tẩn lại là xã điểm xây dựng nông thôn mới ở huyện, thế nên số hộ nghèo chắc chắn sẽ còn giảm trong thời gian tới. Và khi bà con no đủ, thoát nghèo, họ sẽ biết tự bảo vệ mình.

Tuy nhiên, trước khi đi tới ngày đó, thời gian trước mắt, huyện Mù Cang Chải nên tiếp tục có những biện pháp để trợ giúp người dân bị nạn để họ tiến kịp các hộ dân khác trong công cuộc thoát nghèo.

Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Sau vụ tai nạn đã có hơn 130 đoàn đến trợ giúp bà con ở La Pán Tẩn với số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Từ số tiền này, huyện đã phan bổ hợp lý để sửa chữa nhà cửa, giải quyết việc làm cho các gia đình bị nạn, huyện cũng đã lập 65 sổ tiết kiệm trị giá gần 500 triệu để tính chuyện tương lai cho bà con. Bằng những chính sách, chương trình, huyện sẽ tiếp tục có những hỗ trợ quan tâm hơn, nhất là trong dịp Tết này.

Những đứa trẻ ở La Pán Tẩn mùa này thường lên nương tìm những cành hoa tớ dảy đẹp nhất về trang hoàng nhà cửa chuẩn bị cho ngày Tết. Những cành tớ dảy hoa đỏ thắm, tô đậm thêm sắc xuân. Trên những thân cành tớ dảy khẳng khiu trơ trọi lá, những mầm xanh bật lên khỏi lớp vỏ xù xì. La Pán Tẩn đã vào Xuân mới./.